'Cứu bất động sản không phải là cứu doanh nghiệp yếu kém'

'Đáy bất động sản có thể rơi vào cuối năm nay'

Nếu giải quyết được nợ xấu, thị trường bất động sản có thể khởi sắc vào đầu 2014 thay vì mất 3-5 năm nữa. Giới chuyên gia đề nghị, lãi suất của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nên hạ còn 5% và áp cố định dài hơi trong 15-20 năm.

Tại buổi tọa đàm khả năng phục hồi của thị trường bất động sản do báo Đầu tư tổ chức sáng nay, ông Phan Trường Sơn, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng HUD3 cho rằng nghịch lý của bất động sản hiện là hàng tồn kho lớn trong khi cầu không nhỏ. Giá bất động sản bị đẩy cao do giá đền bù giải phóng mặt bằng lớn, thủ tục về quản lý đầu tư mất tới 2-3 trang giấy và mỗi "cửa" đều phải mất chi phí. Từ năm 2008 đến nay, địa ốc khó khăn và doanh nghiệp chỉ có 14% lợi nhuận. "Nhiều doanh nghiệp bất động sản 'nhảy' vào thị trường rồi lại 'nhảy' ra ngay", ông Sơn chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của hơn 60 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, lượng hàng tồn kho tới thời điểm hiện tại chiếm gần 50% tổng tài sản. Phần lớn các doanh nghiệp không còn tiền mặt để hoạt động cũng như trả các khoản nợ.

Ảnh: Hoàng Lan
Thị trường bất động sản sẽ chạm đáy vào cuối năm nay và phục hồi vào 2014 nếu giải quyết được nợ xấu. Ảnh: Hoàng Lan.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ cho vay bất động sản đến 31/3/2013 đạt 230.951 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cuối năm 2012. Một số địa phương có mức tăng khá như Đà Nẵng (tăng 11,8%), Hà Nội (tăng 3,4%), TP HCM (tăng 2,5%). "Với 30.000 tỷ đồng dự kiến được tung ra sẽ giúp hàng chục nghìn căn hộ được giao dịch", ông Mạnh nói.

Một vài ngày tới Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Thông tư về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Giải thích về việc chậm trễ ban hành Thông tư trên, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Nguyễn Viết Mạnh cho biết, Ngân hàng Nhà nước cần phải tính toán kỹ nhiều yếu tố tác động khác nhau đến an sinh xã hội, nguồn cung tiền và lạm phát.

Ông Lê Quốc Chính, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty TNHH Hibrand Vina nhìn nhận, thực tế nhu cầu nhà ở còn rất lớn nhưng doanh nghiệp gặp khó vì không bán được hàng. Sau nhiều lần hô hào, năm 2012 chứng kiến nhiều đợt giảm lãi suất nhưng khách hàng mua nhà vẫn chưa tiếp cận được. Tâm lý người dân chờ đợi lãi suất sẽ còn hạ nhiệt. Công ty nội địa phải giảm giá sâu tới mức "cắt vào thịt mình". Doanh nghiệp làm đủ mọi cách khuyến mãi, xây nhà thật tốt, thật đẹp nhưng người dân vẫn chờ "đáy" thị trường.

"Dân chờ đợi thì doanh nghiệp giảm giá bao nhiêu cũng không bán được hàng. Doanh nghiệp trong nước giảm giá, công ty ngoại cũng phải hạ nhiệt theo và tất cả chúng ta đều chết", ông Chính nêu thực tế.

Theo ông Chính, giá bất động sản phản ánh phần nào sự kỳ vọng của các nhà đầu tư và người mua vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, do đó kéo giá giảm bằng chính sách sẽ khiến các luồng vốn đầu tư bị tắc. Lãnh đạo Hibrand Vina cho rằng cần xem xét lại gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vì nếu chỉ tháo gỡ khó khăn cho nhà thu nhập thấp thì không thể giải phóng hàng tồn kho bất động sản. "Nếu chỉ quan tâm đến nhà thu nhập thấp thì 3 năm nữa thôi, chúng tôi sẽ 'phơi xương cá' hết", ông nói.

Các chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản có thể chia làm 3 thời kỳ: đóng băng, phá băng và phục hồi. Giai đoạn đóng băng kéo dài 2 - 3 năm, giai đoạn phá băng 3- 5 năm. Hiện thị trường bất động sản Việt Nam đã qua giai đoạn đóng băng và đang nằm ở giữa thời kỳ phá băng và giải quyết nợ xấu.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, thị trường bất động sản sẽ chạm đáy vào cuối năm nay và phục hồi vào 2014 nếu giải quyết được nợ xấu. Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, ông Hiếu cho hay, dự nợ trong hệ thống ngân hàng là 2,7 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 6%. Trong đó nợ xấu bất động sản chiếm 58%, tương đương khoảng 250.000 tỷ đồng. Hàng tồn kho bất động sản hiện khoảng 140.000 tỷ đồng.

Theo ông Hiếu, vấn đề trước mắt là phải giải quyết được nợ xấu từ đó tạo thanh khoản cho hàng tồn kho của địa ốc. "Nếu vấn đề nợ xấu không được giải quyết ngay, các cơ quan chức năng không vào cuộc mạnh mẽ thì thị trường phải mất 3-5 năm mới phục hồi", ông Hiếu nhấn mạnh.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang có nghịch lý là thừa cả cung và cầu. Giá địa ốc cao gấp 26 lần thu nhập người dân. Bởi vậy, muốn thị trường tốt lên, giá nhà hạ xuống cần có sự quản lý của Nhà nước và không thể "thả nổi" bất động sản. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, bất động sản đang khó khăn cần tháo gỡ nhưng chưa đến mức phải giải cứu thị trường. Dẫn bài học chứng khoán từ năm 2007, ông Võ cho hay, Chính phủ đã từng giang tay cứu thị trường chứng khoán với 5.000 tỷ đồng nhưng không cứu nổi. Sau đó thị trường chứng khoán lại giảm thêm và nay trở về đúng bản chất.

"Bất động sản cũng như vậy. Lúc này, nền kinh tế cần phải được vỗ bằng 2 tay, một tay thị trường bất động sản không vỗ nổi. Hiện bàn tay Nhà nước cần to hơn một chút", ông Võ ví von.

Thị trường khó khăn, bản thân bất động sản không tự cứu được mình, ngân sách Chính phủ lại hạn hẹp. Do đó, theo ông Hiếu, tháo gỡ khó khăn cho địa ốc cần sự hợp sức của Chính phủ, ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản. Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng, cần hạ lãi suất phù hợp để mọi người dân có thể tiếp cận được. "Lãi suất 6% trong vòng 3 năm đầu chưa tạo được lòng tin cho khách hàng. Lãi suất nên hạ xuống còn khoảng 5% được cố định trong thời gian 15-20 năm để người dân có đủ khả năng trả lãi", ông Hiếu đề nghị.

Hoàng Lan

76 người

 

,