Tiền vẫn chảy mạnh vào nhà băng
Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ trong 4 tháng đầu năm 2013.
Huy động vốn tăng trở lại kể từ cuối tháng 1/2013 và tăng cao so với cùng kỳ của năm 2011 và 2012.
Điểm nổi bật trong 4 tháng qua là huy động vốn của hệ thống
vẫn tiếp tục tăng mạnh, sau khi lãi suất huy động đã giảm về mức thấp.
Cụ thể, huy động vốn tăng trở lại kể từ cuối tháng 1/2013 và tăng cao so
với cùng kỳ của năm 2011 và 2012. Tính đến ngày 23/4/2013, huy động vốn
tăng 5,34% so với cuối năm 2012, cao gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ
năm 2012 và gấp 6 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2011.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tốc độ tăng huy động
vốn bằng VND cao hơn huy động vốn bằng ngoại tệ là phù hợp với chủ
trương chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại
tệ và cho thấy niềm tin của người dân vào hệ thống tổ chức tín dụng
tăng lên.
Đáng chú ý là tín dụng cũng đã có chuyển biến rõ hơn. Sau khi giảm trong
tháng 1/2013, tín dụng đã tăng trở lại từ tháng 2/2013 và có sự cải
thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2012.
Tính đến ngày 23/4/2013, tín dụng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2012, cao hơn mức giảm 0,2% của 4 tháng đầu năm 2012.
“Mức tăng của tín dụng trong 4 tháng đầu năm mặc dù đã có sự cải thiện
nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu định hướng chủ yếu do tính quy luật
hàng năm, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ở mức thấp, một số ngành,
lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ và chưa có nhu
cầu vay vốn các tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn phải đối mặt
với nhiều khó khăn nên nhu cầu tín dụng hạn chế và tăng trưởng tín dụng
ở mức thấp, các nhân tố tác động chủ yếu là vấn đề hàng tồn kho của
doanh nghiệp, khả năng tiêu thụ sản phẩm, vướng mắc về xử lý tài sản bảo
đảm”, Vụ Chính sách tiền tệ lý giải.
Về thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng, trong 4 tháng đầu năm,
vốn khả dụng bằng VND của hệ thống khá ổn định, dư thừa so với yêu cầu
dự trữ bắt buộc và nhu cầu thanh toán, nhu cầu vay vốn của các ngân hàng
thương mại qua nghiệp vụ thị trường mở không lớn.
Thanh khoản khả quan đã giúp lãi suất tiếp tục giảm. Lãi suất thị trường
liên ngân hàng duy trì ở mức thấp và giảm nhẹ so với đầu năm, đến ngày
23/4/2013, lãi suất qua đêm là 2 - 3%/năm, 1 tuần là 2,6 - 3,2%/năm, 1
tháng là 4,3 - 5%/năm.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cũng đã giảm khoảng 1 - 2%/năm so
với đầu năm. Hiện lãi suất huy động của tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 1
- 2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ
hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6 - 7,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng
trở lên khoảng 9 - 10,5%/năm.
Lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 -
11%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 11 -
13%/năm ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, 12 - 15%/năm ở khối ngân
hàng cổ phần; trong đó, một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên,
có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất
kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi
suất chỉ từ 9 - 10%/năm.