Nghịch lý trên thị trường bất động sản Việt
 

Nghịch lý trên thị trường bất động sản Việt

Theo phân tích nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản đang chứa đựng những mâu thuẫn gay gắt như sự phát triển không đồng đều phân khúc, phân mảng, về chuyển dịch dòng tiền. Tiêu biểu nhất là thị trường phát triển không đồng đều giữa các địa bàn như Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS Việt Nam Tống Văn Nga, trong khi ở Hà Nội và một số vùng lân cận phía Tây có những đợt “nóng cục bộ” khiến giá BĐS bị đẩy lên cao thì ở Tp.HCM và các tỉnh phía Nam lại lâm vào tình trạng “chợ chiều im ắng” kéo dài nhiều tháng liên tiếp khiến giao dịch về BĐS giảm rõ rệt.

Hay như tại thị trường Hà Nội, phân mảng thị trường cũng có nhiều biến động: nơi bùng phát cục bộ, nơi không có biến động; đặc biệt có những nơi trong nội thành còn được phát giá giao dịch tới 1 tỷ đồng/m2. Ngoài ra, có những khu vực như Hoài Đức, Sóc Sơn mới có dự kiến phát triển do di dời các trường đại học, bệnh viện… cũng xảy ra tình trạng tăng giá để đón đầu.

Còn Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Minh cho rằng, “nghịch lý của thị trường BĐS hiện nay là vừa thừa, vừa thiếu. Trong khi nhiều dự án chung cư cao tầng bị ế ẩm, thiếu đầu ra với những căn hộ bỏ không thì một số lượng lớn người lao động trong xã hội lại không có nhà để ở”.

Bên cạnh đó, một trong những mâu thuẫn gay gắt lớn là trong khi thị trường bất động sản đang rất cần vốn thì hệ thống ngân hàng thực hiện thặt chặt tín dụng, bởi thị trường bất động sản sau 3 năm điều chỉnh từ 2008 - 2010 đang cần một lượng vốn đủ lớn để có thể phục hồi và đi lên thì lại bị tín dụng “thắt lại” do yêu cầu cho mục tiêu chống lạm phát và ổn định kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Minh cho rằng mặt thiếu tích cực, chính sách thắt chặt tín dụng trong cho vay BĐS của ngân hàng đang cản trở thị trường BĐS phát triển đơn cử với phân khúc thị trường nhà ở xã hội. Thực tế cho thấy, không ít dự án có quỹ đất sạch nhưng chủ đầu tư không dám xây dựng vì chậm thu hồi vốn. Mặt khác, nhiều ngàn tỉ đồng vốn của Nhà nước dành cho chương trình này vẫn “đắp chiếu” tại ngân hàng mà chưa được giải ngân.

Và mâu thuẫn cuối cùng là hệ thống thắt chặt tổng cầu thông qua thắt chặt nguồn tín dụng nhưng lại không có các kênh hấp thụ tài chính thay thế.

Ngoài ra, thị trường bất động sản đang tiếp tục có dấu hiệu bị tác động của một loạt các yếu tố như phòng chống lạm phát, yếu tố chuyển dịch nguồn lực (lượng tiền từ kinh doanh vàng miếng, ngoại tệ chuyển vào bất động sản), sự đón đầu quy hoạch vùng Thủ đô ….

Những yếu tố trên đã đem đến hệ quả là thị trường bất động sản suy giảm đáng kể, giao dịch thành công ít và giá sản phẩm thiết lập đáy mới. Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất là không có nguồn tiền bổ sung, dẫn đến cả người mua và người bán đều không có khả năng thanh toán, vì thế thị trường đã rơi vào tình trạng trầm lắng.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia


 

,