Xử lý nợ xấu và một số giả định về lợi nhuận của các NHTM

Xử lý nợ xấu và một số giả định về lợi nhuận của các NHTM


Xử lý nợ xấu và một số giả định về lợi nhuận của các NHTM

Nếu các NHTM chỉ kiếm được 20.000 tỷ đồng lợi nhuận, mọi việc sẽ tồi hơn. Còn nếu các NHTM không kiếm đủ 20.000 tỷ đồng thì sao?

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Công ty mua bán tài sản quốc gia (VAMC) ra đời, về cơ bản, là tốt hơn phương án “không có gì” như trong thời gian vừa qua, bởi ít ra thì mọi khó khăn cũng được trì hoãn và chia đều trong một thời gian dài.

Phương châm của cách xử lý nợ xấu này là “thời gian sẽ làm lành vết thương nhờ sự tự phục hồi của cơ thể, NHNN chỉ giúp các NHTM không bị mất máu nhanh mà thôi”!

Do đó, phương án xử lý nợ xấu này đặt cược vào khả năng kiếm tiền của các NHTM trong tương lai. Liệu phương án này có thành công? Và nó tác động thế nào đến nền kinh tế?

Xử lý nợ xấu và một số giả sử về lợi nhuận của các NHTM

Nếu tổng nợ xấu được chuyển cho VAMC là 100.000 tỷ như nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin thì mỗi năm hệ thống NHTM phải trích lập 20.000 tỷ, tương đương 20%.

Nếu các NHTM kiếm được 60.000 tỷ/năm, họ vẫn còn 40.000 tỷ lợi nhuận. Với vốn tự có 400.000 tỷ, các NHTM vẫn đạt mức tăng trưởng về vốn, tín dụng, tài sản khoảng 10%. Mọi việc có thể coi là ổn.  

Nếu các NHTM chỉ kiếm được 40.000 tỷ, họ chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 5% về vốn, và nếu để giữ nguyên mức độ an toàn, tổng tài sản, tổng tín dụng chỉ tăng trưởng 5%. Lúc này nền kinh tế sẽ chịu tác động xấu, bởi mức tăng trưởng tín dụng này là thấp.

Hiện tại, Việt Nam vẫn cần một mức tăng trưởng tín dụng từ 10-12%, tức là bằng hoặc thấp hơn một chút so với tăng trưởng GDP danh nghĩa (5-6% tăng trưởng thực và 5-7% lạm phát) để vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, vừa hạ tỷ lệ tín dụng/GDP về mức hợp lý trong dài hạn.

Nếu các NHTM chỉ kiếm được 20.000 tỷ, mọi việc sẽ tồi hơn.

Còn nếu các NHTM không kiếm đủ 20.000 tỷ đồng thì sao?

Theo nhiều chuyên gia, phương án cuối cùng có lẽ là khó xảy ra, nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay khả năng kiếm được 60.000 tỷ cũng không cao, bởi vì nó tương đương tỷ lệ ROE 15%, mức mà nhiều doanh nghiệp bình thường chỉ đạt được trong giai đoạn bình thường.

Chưa cần phương án giảm “shock” khi VAMC ngừng hoạt động

Trong mấy năm qua, tín dụng tăng mạnh, các NHTM cho vay bừa bãi, giá vàng, giá USD… biến động mạnh nên các ngân hàng mới có thể kiếm được lợi nhuận cao, còn trong những năm tới, nếu các doanh nghiệp không bán được hàng, tín dụng tăng trưởng thấp, giá vàng và giá USD không có “sóng” to, thì khó mà kiếm được lợi nhuận cao.

Đó là chưa kể một phần lợi nhuận cao của các NHTM trong nhiều năm qua có thể là ảo do các khoản đáo hạn nợ (cả gốc kèm lãi suất) để che dấu nợ xấu.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận có thể tạo nên một vòng luẩn quẩn: Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp dẫn đến lợi nhuận thấp và vì lợi nhuận thấp, vốn tự có tăng trưởng chậm lại dẫn đến tín dụng và tài sản tăng chậm.

Ngoài ra, còn phải kể đến những rủi ro như giá bất động sản, giá vàng… có thể giảm mạnh trong thời gian tới, khiến tài sản của các ngân hàng bị tổn thất.  

Nếu muốn tăng trưởng tín dụng cao, các NHTM sẽ phải phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên, nếu mức lợi nhuận thấp, giá phát hành cũng thấp.

Như vậy, các NHTM có thể không muốn phát hành cổ phiếu tăng vốn với giá thấp hoặc lo ngại thâu tóm, phải chia sẻ lợi ích với người khác, sẽ dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp. Nếu NHNN muốn tăng trưởng tín dụng cao, thì phải hạ mức độ an toàn tài chính đối với các NHTM.

Tóm lại, việc các NHTM phải trích lập dự phòng nhiều khả năng sẽ khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp, hoặc sẽ buộc NHNN phải hạ mức độ an toàn tài chính của các NHTM.

Những rủi ro này có thể hiện hữu ngay trong năm nay hoặc trong năm sau, nên chưa cần tính đến việc “giảm shock”, khi VAMC dừng hoạt động. Sau một thời gian VAMC hoạt động, sẽ có đánh giá về hiệu quả, tác động và điều chỉnh lại phương án xử lý nợ xấu.

Còn một vấn đề nữa mà nhiều chuyên gia hiện đang đặt câu hỏi về số phận của các doanh nghiệp đang nợ ngân hàng sẽ ra sao? Có bị mất tài sản thế chấp không? Có bị phá sản không? Có xảy ra tranh chấp pháp lý không? Nếu bị phá sản, các DN có cản trở quá trình xử lý nợ xấu không ?...

Bởi lẽ khi các DN bị buộc phá sản, họ sẽ phản ứng và gây ra lắm chuyện khó lường.

Khánh Linh


 

,