Căn hộ, văn phòng cho thuê giảm giá nhưng vẫn ế
 

Căn hộ, văn phòng cho thuê giảm giá nhưng vẫn ế

Thị trường căn hộ có dấu hiệu chững lại và giảm giá ở hầu hết các phân khúc. Cùng với đó, thị trường văn phòng cho thuê cũng đang chật vật tìm khách thuê khi nguồn cung luôn được bổ sung. Điều này cho thấy thị trường bất động sản (BĐS) của quý 2 đang vô cùng trì trệ.

Căn hộ có dấu hiệu chững

Theo Colliers Việt Nam, thị trường nhà ở bước sang quý 2.2011 với nhiều biến động. Thị trường ghi nhận sự tăng giá đột biến vào cuối tháng 3 và trong tháng 4.2011. Đất nền ở một số khu vực phía Tây đặc biệt là các dự án dọc theo đường quốc lộ 32 đang gấp rút hoàn thiện, tỷ lệ giá đất nền tăng đáng kể so với đầu năm 20% - 30%. Giá đất dự án trung bình tại khu vực quốc lộ 32 từ 35 triệu – 45 triệu. Tuy nhiên sang tháng 5, 6 thị trường nhà ở lại có xu hướng chững lại và giảm. Mức giảm từ 3 – 5 triệu đồng/m2 so với quý đầu quý 2.

Ảnh minh họa.

Cùng với đó, thị trường căn hộ lại có dấu hiệu chững lại và giảm giá ở hầu hết các phân khúc. Tuy nhiên nếu so sánh với giá của đầu quý 1 thì mức giảm là không đáng kể, từ 1% đến 2% ở tất cả các phân khúc. Thị trường chung cư cũng có kịch bản tương tự, giá tăng lên ở đầu quý sau đó chững lại và giảm ở cuối quý 2.

Tính từ năm 2011 tới năm 2014 theo dữ liệu của Colliers, nguồn cung mới của quận Hà Đông chiếm tỷ trọng 28%, Từ Liêm chiếm 15%, Cầu Giấy 15%,... Quý 2, thị trường ghi nhận một số các dự án chung cư cao cấp ra mắt, trong đó chủ yếu tập trung tại quận Hai Bà Trưng, chiếm 54% lượng cung, mà dự án nổi bật là Times City, dự kiến đến năm 2014 sẽ đi vào hoạt động với tổ hợp hàng nghìn căn hộ cao cấp. Trong năm 2011 sẽ có khoảng 11.000 căn hộ mới ra mắt thị trường. Nguồn cung chung cư trong những năm tới vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây thành phố.

Việc thắt chặt tín dụng, và sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn này đã khiến thị trường BĐS trở nên khan hiếm về vốn, nhiều BĐS được thế chấp đã bị rao bán, là một trong những nhân tố làm giá BĐS giảm xuống trông thấy.

Thị trường nhà ở có sự biến động mạnh trong quý 2 cho thấy sự mất ổn định của thị trường cùng với những tác động mạnh mẽ của thị trường tài chính lên thị trường BĐS.

Văn phòng cho thuê “chật vật” tìm khách

Xét về tình hình kinh doanh, vẫn còn có sự khác biệt giữa các quận nội thành của Hà Nội như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Ba Đình và các quận ngoại vi như: Cầu Giấy, Từ Liêm, Long Biên và Thanh Xuân. Phần lớn diện tích văn phòng của Hà Nội khoảng hơn 560.000m2 nằm ở các quận Hà Nội cũ, trong khi các quận ngoại vi có gần một nửa số diện tích này, chiếm hơn 230.000m2.

Trong số đó, đáng chú ý quận Hoàn Kiếm với vị trí trung tâm có diện tích sàn lớn nhất và tỷ lệ lấp đầy cao nhất 94%, giá thuê trung bình cao nhất 40USD/m2/tháng. Ngược lại, quận Long Biên có diện tích sàn nhỏ nhất với giá thuê thấp nhất 15USD/m2/tháng.

Theo dự báo, trong năm 2011 sẽ có thêm 240.000m2 diện tích văn phòng hạng A và B, tương đương với gần một nửa nguồn cung hiện tại. Riêng hai tòa nhà cao tầng Keangnam Hanoi Landmark Tower và EVN Building đã chiếm 45% nguồn cung mới này, nhưng cả hai đều đang chật vật tìm khách thuê.

Trong giai đoạn 2011-2014 và sau đó, một lượng lớn nguồn cung mới sẽ xuất hiện và làm tăng tổng diện tích sàn cho thuê lên 3 lần, đạt tới gần 3.000.000m2 sau năm 2014. Vì vậy, có thể nói điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của thị trường.

Colliers Việt Nam cho rằng, các chủ đầu tư vẫn phải vạch ra các chiến lược marketing và bán hàng khôn ngoan hơn để có thể cạnh tranh hiệu quả. Khách thuê có nhiều lựa chọn và quyền thương lượng hơn, vì vậy sẽ có một số chuyển dịch giữa các tòa nhà cùng hạng hoặc khác hạng.

Theo Lao Động


 

,