“Giảm là đúng”
(TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu của Dragon Capital)
“Theo tôi, việc hạ suất lần này rất hợp lý. Lãi suất bình quân cho vay
trong giai đoạn 1995-2007 ở mức 8-11%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho
vay từ năm 2008-2012 bình quân từ 15% - 25%/năm.
Có thể một số người cho rằng việc lãi suất cao trong giai đoạn 2008-2012
là hậu quả của lạm phát cao, nhưng theo tôi đó là hậu quả của đầu cơ,
vì chỉ có đầu cơ mới chấp nhận lãi suất cao như vậy. Còn nền kinh tế
thực không thể chịu lãi suất cao trong thời gian dài như vậy.
TS. Lê Anh Tuấn
Để nguồn vốn hấp thụ được cho sản xuất thì lãi suất phải về như trước
kia, từ 8-11%/năm. Trong lộ trình đó, đến cuối năm 2013 lãi suất cho
vay về 11-12%/năm là hợp lý. Và do đó, xu hướng giảm lãi suất của Ngân
hàng Nhà nước là đúng đắn.
Theo tôi, việc Ngân hàng Nhà nước chỉ hạ lãi suất huy động 0,5%/năm có
thể là do cơ quan này phải bảo vệ tỷ giá ổn định và không muốn lãi suất
này hạ quá nhanh. Quan trọng hơn, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất trên
thị trường mở (OMO) từ 7%/năm xuống 6%/năm để giúp cho các ngân hàng
thương mại có giá vốn rẻ hơn. Như vậy, họ mới có cơ hội giảm lãi suất
cho vay.
Có thể nói, những chính sách của Ngân hàng Nhà nước là đúng đắn, là bước
đi cần thiết để tạo tiền đề cho xử lý nợ xấu cũng như để giảm lãi suất
cho vay. Tuy nhiên để giảm lãi suất cho vay, con đường duy nhất là phải
xử lý được nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng một cách mạnh dạn.
Một câu hỏi đặt ra là việc hạ lãi suất này có tác động lớn đến lạm phát
hay không. Lạm phát không phải là hàm số của lãi suất mà lạm phát là hàm
số của lượng tiền chảy trong nền kinh tế. Lượng tiền đó được đo lường
bằng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Năm 2011, 2012, lượng cung tiền (M2)
tăng mạnh, nhưng tín dụng không tăng mạnh. Có nghĩa tiền không chạy mạnh
trong nền kinh tế mà chạy trong khối ngân hàng tạo thanh khoản cao. Do
đó, lạm phát nhìn góc độ cung tiền thì không có gì đáng ngại”.
“Lãi suất cho vay có thể giảm từ 1-2%”
(TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính)
“Đây là thời điểm tốt để hạ lãi suất, cơ sở là lạm phát tháng 3 hạ xuống
và nhờ đó doanh nghiệp cũng kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm, giúp chi
phí vốn giảm theo.
Theo tôi, việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất là động thái hợp tình hợp
lý, tuy nhiên cũng có một số điểm nên quan tâm. Việc hạ 0,5% lãi suất
huy động thì tác động thế nào tới lãi suất cho vay? Nếu lãi suất cho vay
giảm tương ứng 0,5% thì kết quả nó cũng chưa như mong muốn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Theo tôi, việc hạ 0,5% lãi suất tiền gửi có thể giúp lãi suất cho vay
giảm 1-2%/năm, nhưng không có gì bảo đảm cả. Vì nếu sức khỏe các ngân
hàng còn yếu, dự phòng rủi ro còn lớn, đầu ra còn khó khăn thì việc giảm
lãi suất cho vay khó mà giảm sâu được. Nên việc hạ bao nhiêu lãi suất
cho vay xuống thì nó vẫn là ẩn số.
Hạ lãi suất cũng quan trọng nhưng chưa đủ để giúp doanh nghiệp yếu kém
vực dậy. Nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện vay, không có tài sản thế
chấp, hàng tồn kho chất cao, thì theo tôi, với những doanh nghiệp này,
Chính phủ nên bảo lãnh cho tổ chức tín dụng để họ cho những doanh nghiệp
đó vay vốn.
Theo tôi, việc hạ lãi suất lần này không tác động nhiều lắm tới lạm
phát. Ngân hàng Nhà nước có các công cụ khác để điều tiết cung tiền qua
thị trường mở, dự trữ bắt buộc. Trong lúc này, cầu trong nền kinh tế
yếu, nên có đẩy lượng tín dụng ra ngoài nữa thì cũng không lo tác động
mạnh tới lạm phát”.
“Đã phản ánh vào giá chứng khoán”
(Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích & Tư vấn Đầu tư - Khách hàng Tổ chức, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - SSI)
“Chúng tôi cho rằng đợt giảm lãi suất này không quá bất ngờ, nếu theo
sát diễn biến của thị trường trái phiếu trong hai tuần qua. Chính phủ
đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất và có lẽ việc CPI
âm trong tháng 3 đã tạo cơ hội để thực hiện việc này.
Để hỗ trợ cho nền kinh tế còn yếu thì rất cần thiết giảm lãi suất cho
vay và việc giảm lãi suất đầu vào tạo điều kiện cho việc này. Tuy vậy,
chúng tôi nghĩ việc cắt giảm lãi suất tiếp trong thời gian tới sẽ là khó
do rủi ro lạm phát vẫn còn nên đây có thể coi lãi suất huy động đang
chạm đáy.
Bà Hoàng Việt Phương
Nhìn bề ngoài thì quy định này làm giảm tỷ lệ lãi biên (NIM) của hệ
thống ngân hàng do lãi suất đầu vào giảm 0,5% trong khi đầu ra lại bị
yêu cầu giảm 1% đối với các ngành nghề ưu tiên.
Tôi nghĩ thị trường chỉ quan tâm đến trần lãi suất huy động giảm từ
8%/năm xuống 7,5%/năm, còn việc giảm 1% với các lãi suất khác thì không
nhiều do thanh khoản hệ thống vẫn rất tốt trong thời gian gần đây, biểu
hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp. Đối với các
ngân hàng yếu thì tất nhiên câu chuyện lại khác.
Về thị trường chứng khoán, mỗi đợt cắt giảm lãi suất đều tạo một sự hứng
khởi nhất định cho nhà đầu tư, nhưng có lẽ trong ngắn hạn đợt giảm lãi
suất đã phản ánh vào giá do tin đồn đã có ngoài thị trường trong một số
tuần gần đây.
Việc lãi suất tiền gửi giảm có thể khiến chứng khoán trở thành một kênh
đầu tư hấp dẫn hơn nữa, nhưng có lẽ tác động không nhiều. Điều quan
trọng hơn với thị trường là những chuyển biến tích cực từ quá trình tái
cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là quá trình xử lý nợ xấu cần triệt để và
rõ ràng để tín dụng có thể tăng trưởng trở lại bền vững, giúp cải thiện
triển vọng tăng trưởng kinh tế và đó là yếu tố quan trọng để làm tăng
niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán”.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất thực dương thêm nữa”
(Ngân hàng JPMorgan Chase)
“Tăng trưởng tín dụng vẫn chậm, chỉ tăng 9% trong năm 2012 và 12% trong
năm 2011, trong khi mức trung bình trong một thập kỷ trước đó là 33%.
Trong điều kiện như vậy, chúng tôi không cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ
giữ lãi suất thực dương thêm nữa.
Kinh tế Việt Nam dường như đã khởi sắc chút ít, nhưng chúng tôi cho
rằng, năm nay vẫn sẽ là năm có mức tăng trưởng đáng thất vọng. Với mức
lạm phát dự báo khoảng 7,7% vào giữa năm so với cùng kỳ năm trước và sau
đó giảm dần về 5,5% so với cùng kỳ vào tháng 12.
Chúng tôi cho rằng, lãi suất có thể được giảm thêm 100 điểm phần trăm
trong năm nay. Chúng tôi không cho rằng tốc độ giảm như vậy là có thể
làm mất ổn định kinh tế hay tạo ra lo ngại gì, nhờ vào triển vọng lạm
phát đã được kiềm chế, tài khoản vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế
đều tốt hơn, cùng với môi trường kinh tế và tăng trưởng tín dụng tương
đối chậm chạp”.