Tin đồn và sự dễ tổn thương của thị trường tài chính Việt

Tin đồn và sự dễ tổn thương của thị trường tài chính Việt

Sức đề kháng yếu ớt và sự thiếu minh bạch vốn có là những nguyên nhân khiến thị trường tài chính dễ dàng chao đảo mỗi khi thông tin xấu, dù là đồn nhảm xuất hiện.

Đã nhiều lần thị trường Việt Nam phải chứng kiến những phiên giao dịch đỏ rực các sàn chứng khoán, thanh khoản ngân hàng bị đe dọa chỉ vì những tin đồn thất thiệt. Ngày 21/2, thị trường tài chính chao đảo sau tin đồn Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu thị trường tỏ ra "dễ vỡ" trước những thông tin thất thiệt kiểu này.

Mô tuýp phổ biến của những tin đồn này thường nhắm vào các VIP là lãnh đạo ngân hàng, công ty niêm yết lớn trên sàn chứng khoán vì theo lý giải của một số chuyên gia, đây là những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường. Cách đây vài tháng, một số lãnh đạo tại Masan, Sacombank, ACB hay Eximbank... cũng dính phải các tin đồn như bị bắt, bị quản thúc hay triệu tập điều tra. Ngay sau đó là những phiên lao dốc của một số mã blue-chip trên sàn chứng khoán cùng những sóng gió thanh khoản ập đến các ngân hàng. Một kịch bản khá tương tự cũng vừa lặp lại hôm 21/2 với thông tin ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch BIDV, một ngân hàng quốc doanh lớn bị bắt.

Ở một thị trường dễ tổn thương thì những kẻ đầu cơ có thể dễ dàng trục lợi nhờ tung tin đồn nhảm. Ảnh: Hoàng Hà.
Ở một thị trường dễ tổn thương thì những kẻ đầu cơ có thể dễ dàng trục lợi nhờ tung tin đồn nhảm. Ảnh: Hoàng Hà.

Một chuyên gia phân tích tài chính từng có kinh nghiệm tại nhiều nền kinh tế mới nổi cho rằng đây là sự tính toán rất rõ và có kịch bản đàng hoàng của những kẻ tung tin chứ không phải ngẫu nhiên. "Họ chọn những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn để dễ kích động tâm lý của đám đông", vị chuyên gia này phân tích.

Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo ngân hàng ở phía Nam và cũng là nạn nhân của tin đồn bắt bớ hồi tháng 8/2012 thừa nhận, mục đích của những kẻ phao tin là làm thị trường nhiễu loạn, nhà đầu tư hoang mang và thi nhau bán cổ phiếu tháo chạy. "Do nhóm người thao túng chứng khoán muốn mua cổ phiếu giá thấp nên tạo ra tin đó thôi. Nhưng mình không làm gì xấu nên chẳng ngại", vị này nói.

Với hành vi thao túng giá, những kẻ đầu cơ có cơ thể trục lợi tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng sau mỗi phi vụ khi thị trường "loạn". Nhưng nguyên nhân chính theo các chuyên gia chứng khoán, ngân hàng vẫn là do thị trường Việt Nam đang bị dẫn dắt quá nhiều bởi tin đồn và niềm tin của nhà đầu tư còn yếu ớt. Một chuyên gia nói thẳng: "Trong một thị trường tài chính còn non trẻ, mong manh và dễ tổn thương như Việt Nam thì các hành vi thao túng và trục lợi này càng dễ thực hiện".

Đồng quan điểm, theo ông Alan Phan - nguyên Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Hong Kong - ở một thị trường thiếu minh bạch thì việc tạo tin đồn rất dễ. "Ở Mỹ, tin đồn sau khi được tung ra khoảng 10 phút đến nửa tiếng đã có Chủ tịch, tổng giám đốc các công ty hay cơ quan chức năng xuất hiện và lên tiếng phủ nhận ngay chứ không để nó làm mưa làm gió 2 ngày liền như vậy", ông Alan Phan dẫn chứng.

Theo nhiều chuyên gia chứng khoán từng làm việc tại Mỹ,mô tuýp tin đồn sếp nọ, VIP kia bị bắt bớ không được giới làm giá ở Mỹ "chuộng" bởi không còn hiệu quả.

"Ngược lại, ở Việt Nam - nơi mà sức đề kháng của nền kinh tế còn yếu - những tin đồn kiểu này vẫn có đất diễn", ông Alan Phan nói.

Khi tin xấu được tung đi, các nhà đầu tư tá hỏa và phản ứng thông thường là bán cổ phiếu, bán tài sản đang nắm giữ hoặc đi rút tiền gửi dù biết sẽ bị lỗ nặng. Nhà đầu tư lúc đó giống như một bầy chuột khi thấy đèn bật sáng một cái vội lo chạy trốn tứ phía dù chưa cần biết chuyện gì đang xảy ra.

Từng làm việc ở thị trường chứng khoán Mỹ, ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Kim Eng thừa nhận nhà đầu tư Mỹ hay Việt Nam cũng là con người và đều có cách ứng xử khá giống nhau. "Bản chất của thị trường chứng khoán là luôn có những thông tin đồn thổi nhưng điểm biệt khác là với một thị trường minh bạch hơn thì hậu quả sẽ đỡ hơn", ông Khánh nói.

Ông Alan Phan thì cho rằng khi có tin đồn, nên đổ lỗi cho sự thiếu minh bạch của thị trường thay vì đổ lỗi cho sự yếu đuối của nhà đầu tư vì họ hành động theo tâm lý đám đông. "Rất khó khăn cho các nhà đầu tư khi họ đang ở thị trường mà luôn bị một đội lái tàu nào đó dẫn dắt chứ không phải cung cầu. Những người đó có thể làm giá bất cứ lúc nào", ông chia sẻ.

Dù thị trường tài chính Việt Nam trong quá khứ từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều tin đồn thất thiệt nhưng theo nhiều chuyên gia chứng khoán, phản ứng của cơ quan chức năng đến nay vẫn còn khá chậm trễ và lúng túng. "Đáng lẽ ngay khi tin đồn loang đi, lúc các phiên giao dịch vẫn đang diễn ra, nó phải được cơ quan chức năng bác bỏ. Nếu vậy có thể nhà đầu tư sẽ bình tĩnh hơn", lãnh đạo một công ty chứng khoán nhận định.

Thanh Thanh Lan


 

,