Cứu địa ốc cần dè chừng lạm phát

Cứu địa ốc cần dè chừng lạm phát

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng hỗ trợ tài chính cho thị trường bất động sản vì lợi ích chung của nền kinh tế là cần thiết, tuy nhiên quá trình này vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro, trong đó đặc biệt phải dè chừng lạm phát.

Ngày 18/1, tại hội thảo Giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản phía Nam, nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến về Nghị quyết 02 - gói tài khóa tháo gỡ khó khăn cho thị trường này.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định: "Sự dịch chuyển tư duy từ việc xem bất động sản là tội đồ gây nợ xấu sang ngành cần giải cứu đã mất 2 năm. Vì vậy Nghị quyết 02 từ lý thuyết đi vào thực tiễn sẽ tốn không ít thời gian".

Chuyên gia kinh tế này cho rằng Nghị quyết 02 vẫn còn hạn chế, chỉ làm được một việc là gia hạn thuế. Trong khi đó, lúc này với doanh nghiệp bất động sản, gia hạn thuế không còn nhiều tác dụng. Mấu chốt vấn đề là giá đất xác định như thế nào trong Luật Đất đai. Hiện tiền sử dụng đất cho các dự án chiếm tỷ lệ rất lớn trong suất đầu tư của doanh nghiệp, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Riêng khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, ông đề xuất nên miễn giảm.

Theo Tiến sĩ Ánh, hỗ trợ thị trường bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro vì có quá nhiều biến số rình rập. Bơm tiền cho vay mua nhà là chấp nhận thị trường được nuôi sống bằng nguồn vốn tín dụng. Tổng tín dụng ngân hàng hiện nay khoảng 3 triệu tỷ đồng, đúng bằng 100% GDP là rất lớn. Cần tính đến chuyện giảm bớt sự lệ thuộc này.

Chính phủ đã ra Nghị quyết 02 về các gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc. Ảnh: Vũ Lê

Ông Ánh khuyến cáo doanh nghiệp đừng kỳ vọng lãi suất sẽ giảm mạnh trong năm 2013. Hơn nữa, việc bơm 20-40 nghìn tỷ đồng tín dụng cho người mua nhà sẽ đẩy thêm dòng tiền lớn chảy vào bất động sản.

Đó là chưa kể đến Công ty mua bán nợ (còn gọi là Công ty quản lý tài sản quốc gia Việt Nam) cũng dành khoảng 15 tỷ USD mua lại toàn bộ nợ xấu với giá trị bằng giá trị sổ sách. Điều này có nghĩa là gói giải cứu chấp nhận cả bong bóng bất động sản. 15 tỷ USD này sớm muộn sẽ chảy vào thị trường bằng các hình thức trái phiếu. Khi luồng tiền mới bung ra sẽ tác động rất lớn đến lạm phát.

Phó đoàn đại biểu Quốc Hội TP HCM, Trần Du Lịch phân tích: "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bất động sản cả thế giới đang làm là tín dụng và tài khóa. Trong đó chủ yếu tập trung vào lãi suất cho vay và thời hạn cho vay".

Theo ông Lịch, với tình trạng hiện nay tối kỵ dùng từ giải cứu bất động sản, chỉ nên dừng lại ở khái niệm hỗ trợ để thị trường tự điều chỉnh. Địa ốc chưa bị chứng khoán hóa một cách ồ ạt là một điềm may.

Theo ông Lịch, Nghị quyết 02 có khá nhiều điểm sáng. Thứ nhất là gói tài khóa gỡ khó cho phân khúc nhà bình dân, dưới 70 m2 giá dưới 15 triệu, khoảng 1 tỷ đồng. Nhà phổ thông có sức mua khoảng 1 tỷ cũng thuộc diện được xem xét hỗ trợ.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng chính sách tài khóa hỗ trợ thị trường địa ốc là cần thiết nhưng phải dè chừng nguy cơ lạm phát gia tăng. Ảnh: Vũ Lê

Thứ hai là điểm sáng về tín dụng. Trong năm 2013, tỷ lệ lạm phát dự kiến 6%, lãi suất huy động 6%, cho vay thương mại 9-10% và cho vay mua nhà phổ thông bằng mức huy động. Ngân hàng sử dụng 20 - 40 nghìn tỷ đồng lãi suất tái cấp vốn, chính sách tài khóa và tín dụng này sẽ hỗ trợ cho sự phát triển.

Thứ ba là chủ trương điều chỉnh căn hộ lớn thành nhỏ để phù hợp tình hình thị trường. Dự án nào chưa xây có cơ hội làm lại. "Thị trường bất động sản hoàn toàn có khả năng làm ấm. Trong năm 2013 tự nó có thể điều chỉnh mà không đi đến đổ vỡ và năm 2014 có thể hồi phục", ông Lịch lạc quan.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam giải thích: "Nghị quyết 02 đặt thị trường bất động sản vào nhóm cần giải pháp hỗ trợ vì giải được bài toán này là tháo được nhiều nút thắt, gỡ được những khó khăn chung của nền kinh tế".

Theo ông Nam, Luật Xây dựng, Luật nhà ở, đất đai và Luật kinh doanh bất động sản đang chỉnh sửa có thể thông qua cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014 là dấu hiệu tích cực. Chính phủ đã làm việc với 2 thành phố lớn, sau đó ra Nghị quyết 02. Theo đó, cho phép doanh nghiệp chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Thay vì xây dựng nhà tái định cư, địa phương mua lại quỹ nhà để bố trí tái định cư. Giải pháp này thể hiện sự chia sẻ với doanh nghiệp của chính quyền địa phương.

Ông Nam cho hay BIDV cam kết dành 30.000 tỷ cho vay mua nhà thu nhập thấp, 35% cho nhà đầu tư, 65% cho người dân vay mua nhà với lãi suất khoảng 6%. Sắp tới các bộ ngành sẽ có một cuộc điều trần trước Ủy ban kinh tế Quốc Hội về thị trường bất động sản. Vực dậy ngành địa ốc nhằm phục vụ lợi ích chung của đất nước chứ không vì ưu ái nhóm doanh nghiệp nào.

"Cách đây 2 năm Nghị quyết 11 xem bất động sản là ngành phi sản xuất, tội đồ gây ra nợ xấu. Nay nó đã được trả về đúng vị thế và đang được Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Song dù được hỗ trợ đến đâu, chiến lược năm 2013 vẫn là phòng thủ", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Vũ Lê


 

,