Rầm rập đổ tiền, chứng khoán lên hương
Rầm rập đổ tiền, chứng khoán lên hương
Thứ Bảy, 12/01/2013 08:35 (GMT + 7)

 Tăng bùng nổ trong 12 phiên liên tiếp, thị trường chứng khoán (TTCK) chưa có dấu hiệu điều chỉnh khi dòng tiền lớn vẫn đang chảy vào rất mạnh. Trong khi đó, các chính sách dồn dập được đưa ra khiến kỳ vọng đối với thị trường lớn hơn bao giờ hết. Một đợt sóng mới đang nổi lên trên TTCK.

Tăng điểm dài nhất năm

Cả trăm cổ phiếu tăng trần liên tục trong nhiều phiên, hàng nghìn tỷ đồng được đổ vào TTCK mỗi ngày và chưa có dấu hiệu ngừng lại. TTCK đang thực sự gây sốc cho không ít nhà đầu tư khi chỉ số VN-Index tăng liên tục hơn 80 điểm trong một thời gian ngắn, vượt ngưỡng 460 điểm. Trong khi đó, HNX-Index bứt phá thành công lên trên ngưỡng cản 60 điểm.

Sáng 11/1, chỉ số VN-Index của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) tiếp tục tăng phiên thứ 13 liên tiếp với mức tăng khá mạnh, trên 1,6% lên gần 470 điểm - một mức bứt phá ít người nghĩ tới cách đây 2 tuần. Chỉ số HNX-Index sau khi vượt ngưỡng kháng cự 60 điểm hôm trước, tiếp tục tăng hơn 1% lên trên 61 điểm.

Hàng chục cổ phiếu lớn vẫn tăng trần, trong đó nhiều mã có dư mua ở mức giá cao nhất với trên một triệu đơn vị. Áp lực chốt lời đã không áp đảo được dòng tiền đang ồ ạt đổ vào thị trường, trong đó khối ngoại đang đóng góp một vai trò rất lớn (mua ròng 6 tháng qua, riêng trong 6 phiên đầu năm 2013 mua ròng hơn 50 triệu USD).

Trên sàn HOSE, hàng loạt các cổ phiếu chủ chốt như MSN, VNM, BVH… tiếp tục tăng ấn tượng. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu BĐS và liên quan cũng có sức hấp dẫn đặc biệt với giới đầu tư. Cổ phiếu HAG tăng 1.200 đồng/cp sau tuyên bố của bầu Đức có thể thu về tỷ đô nhờ bất động sản tại Myanmar; ITA dư mua trần 2 triệu đơn vị; GMD, HSG được gom mạnh…

Bên sàn Hà Nội, cổ phiếu PVX có mức dư mua trần lên tới hơn 5 triệu cổ phiếu; rất nhiều cổ phiếu chủ chốt khác tăng mạnh như: VCG, BVS, VND, SHB, ACB, KLS…

Chuỗi tăng điểm dài nhất trong vòng hơn một năm qua đang tạo niềm tin rất lớn cho giới đầu tư về khả năng thị trường đã lập đáy và chứng khoán đang là lựa chọn số một của nhà đầu tư. Sự hồ hởi của giới đầu tư cùng hàng loạt các nhận định rất tích cực từ các chuyên gia trong và ngoài nước đang khiến thị trường trở nên nóng bỏng.



Sự chuyển trạng thái nhanh chóng của TTCK diễn ra trong bối cảnh trong cơ quan quản lý thị trường đưa ra các biện pháp hỗ trợ thị trường và song song cùng với biện pháp hỗ trợ vĩ mô của Chính phủ và sự kém hấp dẫn của các kênh đầu tư khác như BĐS, vàng, tiết kiệm…

Hào hứng với điều chỉnh chính sách

Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa công bố nhiều đề xuất hỗ trợ chứng khoán. Theo đó, chứng khoán được nhìn nhận theo hướng tích hơn khi không được liệt kê vào nhóm phi sản xuất, được kiến nghị tiếp tục kéo dài miễn giảm về thuế trong năm 2013, ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư mới.

Doanh nghiệp niêm yết trên sàn được tháo gỡ một loạt khó khăn để có thể huy động vốn nhằm thoát ra khỏi khó khăn về đồng vốn như: được phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, phát hành trái phiếu. Dòng vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích hơn theo hướng cho phép nhà đầu tư chiến lược ngoại nắm giữ vượt 49% ở một số loại hình công ty niêm yết, kể cả một số ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường, UBCK đã tăng tỷ lệ giao dịch ký quỹ lên 50:50 và áp dụng từ 1/2 tới; nới biên độ giao dịch tại 2 sàn như mức trước đây, lên 10% với sàn Hà Nội và 7% với sàn TPHCM và áp dụng vào ngày 15/1 tới; xem xét miễn giảm phí lưu ký 20% cho năm 2013.

Các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của thị trường cũng được đưa ra đồng bộ nhắm vào các hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ ETF, quỹ bất động sản, thúc đẩy cổ phần hóa, tạo sự thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư tổ chức có nhu cầu đầu tư lâu dài.

Nhìn nhận các gói giải pháp đồng bộ được đưa ra dồn dập, đa số các chuyên gia đều cho rằng TTCK năm 2013 có rất nhiều cơ hội sau một thời gian dài gặp khó khăn. Ngay trong tuần đầu tiên của năm 2013, một tạp chí danh tiếng của Mỹ Barron cho rằng, cổ phiếu Việt Nam hiện đang rất rẻ, đang ở dưới mức tiềm năng và chưa phản ánh hết tốc độ tăng trưởng thực của nền kinh tế.

Theo đó, chỉ số P/E (thị giá/lợi nhuận) của các công ty thuộc một số lĩnh vực như thực phẩm, dược, cao su đang ở mức rất thấp 5-7 lần, hấp dẫn gấp gần đôi so với doanh nghiệp cùng ngành ở cức nước đang phát triển khác.

Trong khi đó, một trang tin tài chính nổi tiếng thế giới khác là Bloomberg cũng đưa ra nhận định có lẽ không thể tốt hơn: “Việt Nam sẽ là TTCK tốt nhất thế giới năm 2013”.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người cũng lo ngại về thực trạng các doanh nghiệp hiện nay. Cho dù được mở nhiều hướng để thoát ra khỏi khó khăn nhưng các doanh nghiệp cũng cần thời gian để có thể hòa nhịp cùng chính sách. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng suy kiệt quá mức và sự phục hồi trở lại dường như rất khó khăn.

Hiện tượng tăng nóng, tăng nhanh, theo một số chuyên gia, có thể sẽ không kéo dài được, nhất là khi biên độ giao dịch sẽ được nới rộng lên áp dụng từ 15/1 tới. Với các cổ phiếu của doanh nghiệp phát triển bền vững có thể sẽ tiếp tục tăng giá do được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nhưng những cổ phiếu lởm - vốn được liệt kê với danh sách rất rất dài chỉ cách đây vài tháng - có lẽ sẽ quay đầu giảm nhanh chóng.

Một điểm cũng được nhiều người quan tâm là các chính sách đối với TTCK hay vĩ mô được đưa ra gần đây không hẳn đã thuyết phục được giới đầu tư. Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, việc xử lý nợ xấu ngân hàng là một thách thức, việc bơm vốn cho nền kinh tế, hiệu quả giải cứu các doanh nghiệp BĐS… đang là một dấu hỏi

Chính vì thế, chuyên gia đến từ HSBC, cho rằng Việt Nam khởi đầu năm 2013 với 1 nền tảng vững chắc hơn nhưng Việt Nam cần cải cách xa hơn nữa và điều đó nên được thực hiện càng sớm càng tốt để tạo sự tăng trưởng bền vững.
Theo VEF

 

,