Hàng ''chất đống'' nhưng giá BĐS vẫn không giảm

Mặc dù hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết tăng mạnh nhưng giá lại không giảm nên việc thanh khoản của doanh nghiệp giữa đại dịch đã khó nay lại càng khó hơn.

Hàng tồn kho "chất đống"

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam do tình hình dịch COVID - 19 nên từ năm 2020 đến nay có tới 28% sàn giao dịch BĐS có nguy cơ giải thể, phá sản; hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, quỹ lương cạn kiệt; 45% lao động (tương đương 26.325 người) trong số các sàn giao dịch thực hiện cắt giảm không còn thu nhập.

Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 102,6% (cùng kỳ quý I/2021 là 38,2%) nhờ giá tăng và sản lượng bán hàng tốt. Cùng với đó, hàng tồn kho của các doanh nghiệp BĐS cũng được ghi nhận tăng mạnh.

 

Hàng ''chất đống'' nhưng giá BĐS vẫn không giảm - 1

Theo thống kê, hơn 20 doanh nghiệp BĐS niêm yết có hàng tồn kho cao nhất tính đến thời điểm cuối tháng 6 là 315.781 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.

Cụ thể, theo thống kê thì hơn 20 doanh nghiệp BĐS niêm yết có hàng tồn kho cao nhất tính đến thời điểm cuối tháng 6 là 315.781 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Điển hình là hàng tồn kho của Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt từ 9.331 tỷ đồng lên 12.016 tỷ đồng, chiếm 64% tổng tài sản. Hàng tồn kho của Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) từ 6.069 tỷ đồng lên 13.747 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, số nợ phải trả của NLG cũng tăng từ 6.922 tỷ đồng lên 10.304 tỷ đồng, trong đó tăng chủ yếu ở khoản vay nợ ngắn hạn.

Với BĐS An Gia (AGG), hàng tồn kho của doanh nghiệp này tính đến cuối tháng 6 là 7.031 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Nhiều dự án BĐS dở dang của AGG đa phần đều đã được thế chấp để phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng. Ngoài 3 doanh nghiệp vừa nêu, còn rất nhiều doanh nghiệp BĐS niêm yết ghi nhận việc hàng tồn kho tăng như Nhà Khang Điền, Đô thị Kinh Bắc,…

Được biết, tồn kho BĐS của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay bao gồm tồn kho thành phẩm và tồn kho bán thành phẩm.Trong đó tồn kho thành phẩm là các sản phẩm BĐS đã hoàn thiện: Chung cư, biệt thư, nhà phố,…đưa ra thị trường nhưng không được giao dịch, trở thành cục nợ có thể dẫn đến nguy cơ phá sản doanh nghiệp nếu không biến hàng tồn thành tiền được.

Trong khi tồn kho bán thành sản phẩm (BĐS dở dang) chủ yếu ghi nhận giá trị quyền sử dụng đất, chi phí lãi vay đã được vốn hóa, chi phí thiết kế, chi phí xây dựng... của các dự án đang trong giai đoạn triển khai. Nếu như trong bối cảnh bình thường thì dạng tồn kho này không đáng nói nhưng trong bối cảnh dịch COVID -19 kéo dài như hiện tại, các dự án không cấp thiết phải tạm dừng hoạt động nên tiến độ bị chậm lại, dẫn đến dự án không thể bán được, tạo áp lực lên dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp.

Khó thanh khoản

Từ những số liệu trên có thể thấy theo quy luật thì các doanh nghiệp BĐS niêm yết có hàng tồn kho nhiều trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài cần thanh khoản bớt thành phẩm để giảm áp lực dòng tiền cho doanh nghiệp bằng cách giảm giá thành phẩm để gia tăng tỉ lệ hấp thụ.

 

Hàng ''chất đống'' nhưng giá BĐS vẫn không giảm - 2

Theo các chuyên gia, mặc dù tồn kho của các doanh nghiệp BĐS đang “chất đống” nhưng giá thành phẩm thay vì giảm lại tăng lên sẽ khiến việc thanh khoản thành phẩm của doanh nghiệp gặp khó khăn hơn.

Tuy nhiên, theo báo cáo thị trường BĐS tháng 8 của Batdongsan.com.vn, mặc dù Hà Nội và TP.HCM đang là những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, khiến lượng tin đăng và mức độ quan giảm mạnh nhưng giá rao bán chung cư tại 2 thành phố này vẫn tăng 8 - 9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi hồi tháng 7, đơn vị này cũng ghi nhận chỉ số giá chung cư tại Hà Nội và TP. HCM có xu hướng tăng với tỷ lệ bình quân tăng 2% so với tháng 6/2021. Nếu so với cùng kỳ năm 2020, thì giá chung cư tại hai thành phố này tăng lần lượt là 7% và 10%.

Do đó, theo nhiều chuyên gia, mặc dù tồn kho của các doanh nghiệp BĐS đang “chất đống” nhưng giá thành phẩm thay vì giảm lại tăng lên sẽ khiến việc thanh khoản thành phẩm của doanh nghiệp gặp khó khăn hơn.

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), hiện nay có nhiều khó khăn đang bủa vây lấy các doanh nghiệp BĐS. Đầu tiên là “ách tắc, vướng mắc” do một số quy định pháp luật “bất cập” và quy trình thủ tục hành chính chồng chéo đối với các dự án nhà ở thương mại.

Thứ hai là khó khăn về việc thiếu dòng tiền, đây là khó khăn trực tiếp và đáng quan ngại nhất. Bởi tương tự như cơ thể bị "thiếu ô-xy", khi doanh nghiệp BĐS thiếu "ô-xy dòng tiền", không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ sẽ bị “ngộp thở” ngay lập tức. Khi đó, doanh nghiệp BĐS không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động, không còn tiền để “cầm cự” qua giai đoạn quá khó khăn này, do các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, thiếu sản phẩm trong lúc thị trường bị “đứng hình”, giao dịch bị sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng bị “rơi thẳng đứng”, không thể huy động được vốn như trước đây.

Nguồn: https://tienphong.vn/hang-chat-dong-nhung-gia-bds-van-khong-giam-post1377600.tpo


 

,