Chủ tịch Quốc hội gợi ý Thanh Hoá thí điểm thuế nhà ở

Chủ tịch Quốc hội gợi ý Thanh Hoá thí điểm thuế nhà ở

Theo ông Vương Đình Huệ, khi được trao cơ chế đặc thù, Thanh Hóa có thể đi đầu thí điểm đề án thuế nhà ở, sau này áp dụng cho Hà Nội, TP HCM.

Gợi ý này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra khi góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hoá, sáng 16/9.

Theo dự thảo nghị quyết, tỉnh Thanh Hoá được đề xuất hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công để đầu tư hạ tầng, kinh tế của tỉnh. Đề xuất này tương tự chính sách đang áp dụng với TP HCM.

Thường trực Ủy ban Tài chính khi thẩm tra đề nghị bổ sung quy định chỉ để lại 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chi phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc trình Quốc hội ban bành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn có đủ cơ sở chính trị và pháp lý. Ông cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo có thể rộng hơn, điều chỉnh cả về tổ chức bộ máy.

Chẳng hạn, về tài chính, ông Huệ gợi ý Thanh Hoá nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản (thuế nhà ở) tại khu vực đô thị. Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ông Huệ cho rằng, thuế nhà chỉ phát huy tốt nếu áp dụng ở địa phương cụ thể, chứ không nên triển khai cả nước, vì số thu thuế không lớn (khoảng 2.500 tỷ đồng) nhưng chi phí để thu thuế rất tốn kém.

"Thuế nhà chỉ nên áp dụng thí điểm cho chính quyền đô thị lớn. Thanh Hoá nên nghiên cứu thí điểm chính sách này ở khu vực đô thị để có thêm nguồn thu", ông gợi ý.

Nếu Thanh Hoá thí điểm thành công áp dụng thuế nhà ở, sau này có thể nghiên cứu áp dụng cho Hà Nội, TP HCM.

Thành phố Thanh Hoá. Ảnh: Lê Hoàng

Thành phố Thanh Hoá. Ảnh: Lê Hoàng

Năm 2017 Chính phủ từng đề xuất thí điểm thuế tài sản (nhà ở) tại TP HCM khi xin cơ chế đặc thù cho địa phwong này, song vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, nên chính sách này không được thực hiện.

Theo các chuyên gia, nếu áp dụng thuế tài sản sẽ là công cụ hữu hiệu để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, nhưng đòi hỏi dữ liệu thị trường phải thật chuẩn xác. Đây là loại thuế đánh trực tiếp lên người sở hữu bất động sản chứ không phải thuế chuyển nhượng bất động sản, nên sẽ hạn chế được đầu cơ vào thị trường này và lo ngại tăng giá bất động sản khi thêm thuế này khó xảy ra.

Năm 2018, Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản trình Chính phủ với mục tiêu tăng quản lý nhà nước về tài sản, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất và chống thất thoát lãng phí trong quản lý tài sản công, nhà đất công. Tuy nhiên, chính sách này sau đó không được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Cũng theo dự thảo nghị quyết, Thanh Hoá được điều chỉnh và ban hành thêm một số loại phí, và ngân sách tỉnh được hưởng 100% số thu tăng thêm từ phí, lệ phí... cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội.

Ông Nguyễn Phú Cường đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm, lộ trình, tính chất, mức độ thu vì khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hậu quả kéo dài chưa nên ban hành mới các khoản thu nhằm không tạo gánh nặng cho người dân, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp và các địa phương khác.

Ngoài ra, để tăng thu cho ngân sách địa phương, cần cân nhắc thí điểm tăng thuế suất với một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Theo hướng này sẽ khả thi hơn về số thu và hạn chế tác động bất lợi đối với xã hội.

Góp ý kiến, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng, quy định "điều chỉnh phí, lệ phí" có thể là tăng hoặc giảm phí. Chẳng hạn, phí ở Nghi Sơn nếu thu thấp lại lợi hơn là thu cao, thu hút các nguồn thu khác. Ngược lại, nếu giảm thấp quá lại "hút" hết nguồn lực của các địa phương lân cận. Do đó, ông Định nhấn mạnh "tỉnh cần rất cân nhắc khi điều chỉnh, ban hành thêm các loại phí, lệ phí".

Thanh Hoá cũng được đề nghị giữ lại 70% số tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn (không gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn lại thuế giá trị gia tăng).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thu ngân sách nhà nước từ xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn là nguồn thu quan trọng tại tỉnh nhưng theo Luật Ngân sách nhà nước, các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%, tỉnh không được hưởng để đầu tư trở lại cho Khu kinh tế Nghi Sơn. Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại Khu kinh tế Nghi Sơn chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách trung ương mới bố trí 950 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu kinh tế, đạt 20% so với nhu cầu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, dự thảo nghị quyết không quy định "cứng" tỷ lệ 70%, nên là "không quá 70%" để hàng năm Thủ tướng có dư địa điều tiết. Ngoài ra ông cho rằng, Thanh Hoá chỉ được hưởng với điều kiện ngân sách trung ương không hụt thu. Hai điều kiện này, theo ông Huệ, nhằm đảm bảo khả thi trong thực tế.

Ở khía cạnh này, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh Thanh Hoá đề nghị Uỷ ban Thường vụ cân nhắc điều kiện "ngân sách trung ương không hụt thu" thì tỉnh mới được hưởng số tăng thu để lại từ xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn. "Nếu đưa ra điều kiện như vậy rất khó thực hiện, khó tạo động lực cho tỉnh phấn đấu", ông Hưng nói.

Dự thảo cũng nêu, Thanh Hoá được phân bổ thêm 45% số chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

Về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, cơ chế đặc thù mới sẽ được áp dụng cho Thanh Hoá theo đúng tinh thần Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Mức huy động thống nhất không quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, tổng mức vay, bội chi ngân sách Nhà nước hằng năm do Quốc hội quyết định.

Riêng với cơ chế bổ sung có mục tiêu, cơ quan thường trực Quốc hội thống nhất cho tỉnh được hưởng 50% khoản thu từ sử dụng đất khi bán tài sản công; được giữ lại không quá 70% số tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn với điều kiện ngân sách trung ương không hụt thu...

Khi có hiệu lực, Thanh Hoá sẽ được thí điểm cơ chế đặc thù từ 1/1/2022 và trong 5 năm. Ông Hải lưu ý, dự thảo nghị quyết trao thêm cơ chế cho Thanh Hoá phát triển kinh tế xã hội, nhưng cũng phải gắn với an ninh quốc phòng, an toàn xã hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban Tài chính ngân sách tiếp thu, cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới.


 

,