Môi trường tổng thể thì không sớm thay đổi, Hayes nói rằng, các nhà đầu tư sẽ không mất nhiều thời gian để nhìn thấy giá trị của vàng một lần nữa. Ông nói thêm, sự điều chỉnh trên thị trường chứng khoán rất có thể sẽ kích hoạt "một chuyến bay đến nơi an toàn" và đẩy giá vàng lên cao hơn.
Giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Kitco tăng tốt và đóng cửa ở ngưỡng 1.803,0 USD/ounce. (Nguồn: Kitco) |
Biến động giá vàng hôm nay 25/8
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/8, giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Kitco tăng tốt và đóng cửa ở 1.803,0 USD/ounce. Mức tăng nhẹ nhưng cũng đánh dấu ngày tăng đầu tiên giá vàng thế giới một lần nữa bứt phá mức 1.800 USD trong hai tuần qua.
Giá vàng thế giới vượt qua mức 1.800 USD bởi đồng USD suy yếu, cho thấy thị trường vẫn còn khá lo ngại về biến thể Delta. Chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất đáng thất vọng của Mỹ cho thấy rủi ro tiếp tục gia tăng đối với sự phục hồi kinh tế hiện tại khi thế giới bắt đầu chứng kiến sự lây nhiễm ngày càng tăng của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Những lo ngại về tỷ lệ lây nhiễm bệnh gia tăng do biến thể này cũng có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lùi lại thời gian mua tài sản hằng tháng trị giá 120 tỷ USD của Kho bạc Mỹ và MBS (chứng khoán được thế chấp).
Chỉ số USD đã giảm và rời khỏi mức đỉnh của gần 10 tháng ghi nhận trong tuần trước, qua đó làm tăng sức hấp dẫn của vàng đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền tệ khác. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm giảm mạnh. Giá dầu hồi phục, giá dầu Brent tăng 5,5% lên 68,75 USD một thùng và như vậy có mức tăng cao nhất tính từ tháng 3/2021.
Trong khi đó, giá vàng trong nước không có giao dịch nhiều, nhưng giá vẫn cao hơn giá thế giới từ 7,2 đến 8 triệu đồng/ượng nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng. Vào đầu phiên sáng qua, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng tại 56,5 - 57,2 triệu đồng một lượng, tăng nhẹ 50.000 đồng một lượng so với hôm trước. Tập đoàn Phú Quý vẫn duy trì đà đi lên của vàng SJC, tiếp tục tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào - bán ra.
Nhiều ngày nay, thị trường kim loại quý nội địa khá trầm lắng do đại dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, một số thương hiệu chỉ có một số thay đổi nhẹ, như Tập đoàn Doji, Phú Quý và Bảo tín Minh Châu... tiếp tục không điều chỉnh tăng giảm theo cả hai chiều giao dịch.
Công ty VBĐQ Sài Gòn hiện niêm yết giá vàng SJC tại hai chi nhánh Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh ở 56,50 - 57,22 và 57,20.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,25 - 57,85 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,55 - 57,55 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,45 - 57,60 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn tiếp tục đứng giá từ nhiều ngày nay. Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu vẫn được niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.
Cuộc chiến giữa tâm lý ngắn hạn và các nguyên tắc cơ bản dài hạn
Trong bản tin cập nhật thị trường vào đầu tuần, chuyên gia phân tích tại quỹ Zaner Metals nhấn mạnh, việc USD đảo chiều hạ giá và tâm lý chuộng rủi ro tăng lên đã hỗ trợ cho giá vàng và nhiều loại kim loại khác.
Các yếu tố khác cũng cho thấy sự lây lan mạnh của biến chủng Delta đang đe dọa gây tổn hại đến kinh tế toàn cầu. Kết quả là, người ta quan tâm nhiều hơn đến vàng.
Giá vàng tăng ngay trước thềm cuộc họp của Fed vào thứ Sáu tuần này (ngày 27/8) tại Jackson Hole. Theo kỳ vọng của nhiều chuyên gia tiền tệ, Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể sẽ phát đi thông điệp rằng, ngân hàng trung ương sẽ hãm lại tốc độ mua trái phiếu và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản. Chính những yếu tố này đã từng giúp vực dậy các thị trường tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19 căng thẳng trong mùa Xuân năm 2020.
Các nhà đầu tư vàng cũng như nhà đầu tư trái phiếu hoặc cổ phiếu đang kỳ vọng sẽ hiểu được rõ hơn về các mốc thời gian siết chặt chính sách tiền tệ của Fed. Bất kỳ dấu hiệu chính sách mềm mỏng nào cũng sẽ giúp giá vàng hồi phục, cùng lúc đó nếu quá trình siết chặt chính sách được thực hiện, giá vàng sẽ có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vàng cần tách biệt hành động giá hiện tại được tạo ra bởi tâm lý thị trường ngắn hạn và tiềm năng cơ bản dài hạn. Tim Hayes, chiến lược gia đầu tư toàn cầu của Ned Davis Research, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News rằng, vàng đang gặp khó khăn trong thời gian tới khi các thị trường chuẩn bị cho sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ. Fed đang tìm cách giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng vào cuối năm nay. Nhưng môi trường kinh tế đã thúc đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục trong năm ngoái vẫn còn nguyên giá trị.
Mặc dù USD đang chứng kiến một số động lực trong ngắn hạn, chuyên gia Hayes lưu ý rằng, nó đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Mặt khác, vàng chỉ giảm 13% so với mức cao kỷ lục được thấy vào năm ngoái. Hayes nói thêm rằng, USD sẽ khó tìm được lực kéo tăng giá đáng kể trong môi trường lãi suất thấp.
Nhận định về giá vàng hiện tại, Chiến lược gia Hayes cho rằng, đợt bán tháo gần đây mang đến cơ hội mua chiến thuật cho các nhà đầu tư. Với giá vàng trở lại trên 1.800 USD/ounce, kim loại quý này đã tìm cách bù đắp phần lớn thiệt hại đã thấy hai tuần trước trong một "vụ tai nạn chớp nhoáng" đẩy giá xuống dưới 1.700 USD / ounce.
“Tâm lý trong ngắn hạn vẫn tiêu cực đối với vàng, nhưng tôi không thấy giá sẽ sớm chuyển sang xu hướng giảm dài hạn”, Tim Hayes nhận định.
Hayes nói rằng, ông cũng không kỳ vọng lạm phát sẽ tăng mạnh như những năm 1970, nhưng người tiêu dùng có thể mong đợi áp lực giá cao hơn liên tục. Và trong một môi trường lãi suất thấp, lãi suất thực âm vẫn tồn tại.
Một khi thần lạm phát đã "ra khỏi chiếc bình", thì khó có thể quay lại. Lạm phát có thể là nhất thời, nhưng câu hỏi mà các nhà đầu tư cần đặt ra là liệu đây có phải là điều tồi tệ nhất sắp xảy ra hay không? "Tôi không nghĩ vậy. Miễn là chúng ta không thấy tiềm năng thu nhập tích cực trong dài hạn, thì vàng vẫn còn hấp dẫn", Chiến lược gia Tim phân tích.