Vỡ mộng tỷ phú và bài học nhớ đời sau cơn sốt đất Đầu tư đón sóng “sốt đất” giúp nhiều nhà đầu tư kiếm tiền tỷ, nhưng cũng khiến không ít nhà đầu tư phải khóc mếu vì kẹt hàng, chôn vốn. Cơn sốt đất đi qua, điều đọng lại là khoản nợ “khổng lồ”, thậm chí là những câu chuyện đẫm nước mắt.Sự kiện: Những kênh đầu tư năm 2021, Kinh tế toàn cảnh Trong hơn 3 tháng đầu năm, thị trường bất động sản (BĐS) sốt xình xịch với việc giá đất tại nhiều tỉnh, thành thiết lập một mặt bằng cao mới, nơi tăng thấp nhất cũng từ 7-9%, có những khu vực lên tới hơn 100%. Tuy nhiên, sau khi chính quyền các địa phương vào cuộc đã khiến cơn sốt đất "hạ nhiệt". Quả thực, cơn sốt đất ảo chóng mặt dường như đang có dấu hiệu dừng lại.
Anh Nguyễn Trung K. lo đứng lo ngồi vì lô đất anh đầu tư đã hai tháng nay chưa có ai hỏi mua Anh Nguyễn Trung K. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây 2 tháng anh đầu tư vào khu đất đấu giá thôn Đồng Húc, xã Đại Đồng (Tiên Du, Bắc Ninh). Thời điểm cuối tháng 2/2021, anh Kiên đầu tư lô đất 100 m2, giá 23,5 triệu đồng/m2. Chỉ sau 2 tuần, có khách hàng đã trả lên 26 triệu đồng/m2. Nhưng với kỳ vọng thị trường tiếp tục tăng, anh K. chưa bán ngay. Mới đây, khi có thông tin các bộ ngành và UBND tỉnh Bắc Ninh vào cuộc để chặn cơn sốt đất, anh đã nhờ môi giới rao 2 tuần mới có khách mua, nhưng giá hiện chỉ còn 24,5 triệu đồng/m2. Tương tự, tình trạng “xẹp bóng” cũng diễn ra tại một dự án tại Phổ Yên (Thái Nguyên). Khảo sát tại khu vực này, được biết từ trước Tết Nguyên đán đến đầu tháng 4/2021 nơi đây luôn tấp nập khách đến giao dịch. Một môi giới tên Tuấn cho biết, có những ngày sàn giao dịch của anh chốt thành công cả chục căn. Đặc biệt, những lô góc đẹp được khách mua đi bán lại đến 4 - 5 lần. Mỗi lần giao dịch giá lại được đẩy lên từ 0,5 đến 1 triệu đồng/m2. "Mỗi lô góc có diện tích 150 m2, sau mỗi lần "lướt", nhà đầu tư được lời từ 100 - 200 triệu đồng. Lô đất có giá gốc 12 triệu đồng/m2, nhưng sau đó giá đã đẩy lên 16 - 17 triệu đồng/m2. Song đó là chuyện của quá khứ rồi, khoảng 2 tuần gần đây, giao dịch rất chậm, rất ít khách đến xem dự án", Tuấn nói.
"Chuyện chốt hàng chục căn cho khách mỗi ngày giờ chỉ còn là quá khứ" - một môi giới chuyên nghiệp nói Còn nhớ, trong cơn sốt đất giai đoạn 2010-2011, nhiều nhà đầu tư luôn kỳ vọng nếu mua giá cao sẽ tiếp tục bán giá cao, nhưng không thể lường trước được thị trường chỉ nằm trong tay một số “tay to” tranh thủ thổi giá, đẩy giá và nhanh chóng rút ra. Hậu quả thì những người đến sau “hứng trọn”. Chị Thanh Thúy (Bà Vì, Hà Nội) buồn rầu kể về đợt sốt đất tại làng quê của chị thời điểm đầu năm 2010: “Sau 2 lần lướt sóng đất đều trúng, thấy kiếm tiền nhanh và quá dễ tôi cùng chồng và anh chị em ruột gom hết tiền vốn lẫn lãi trước đó, tất tay lao vào mảnh đất lớn, ai ngờ “bong bóng” vỡ, chúng tôi ôm đống nợ vỡ mộng giàu nhanh từ đất. Nhờ đầu tư chớp nhoáng, chỉ sau mấy tuần tôi đã thu về gần 200 triệu đồng từ 2 miếng đất trong làng vốn xưa nay vẫn coi là nơi “khỉ ho cò gáy”. Cơ hội làm giàu ập đến, tôi và các anh chị em bị cuốn vào vòng xoáy đó lúc nào không hay. Chứng kiến giá đất tăng mỗi ngày một giá, mọi người trong gia đình tôi nhận định, đất sẽ vẫn còn tăng cao nữa. Anh chị em tôi quyết định chơi lớn, chấp nhận vay mượn thêm, đồng thời đổ hết cả lãi và vốn từ 2 lần lướt trước để đầu tư một mảnh có giá hơn 3 tỷ. Dù vay nợ nhưng không ai lo lắng vì nghĩ rằng với đà bán nhanh như những lần đầu tư trước, chẳng mấy mà thu được cả vốn, lẫn lãi. Nhưng lần này chúng tôi đã lầm. Cái gì cũng có đỉnh, khi đạt đỉnh thì sẽ thoái trào. Đất chủ yếu tăng giá là do mọi người mua đi bán lại ăn chênh lệch. Thời điểm anh chị em tôi mua đất chính là “đỉnh sóng”. Ngay sau khị mua, thị trường chững lại một cách bất ngờ. Sau đó hai tuần thì giá càng rớt thảm hại. Nhiều người bắt đầu “bán tống bán tháo”. Vì không thể gồng gánh nổi lãi vay, sau ba tháng chúng tôi cũng chấp nhận bán mảnh đó đi, lỗ gần 50% so với giá lúc mua. Cũng may, nhờ có khoản lãi trước đó nên số tiền lỗ một năm sau đó tôi trả hết, nhưng bài học đắt giá về lướt sóng đất nền thì tôi nhớ đời”. Theo nhiều chuyên gia bất động sản, các nhà đầu tư "chết vì sốt đất" là do chạy theo đám đông nhưng nắm thông tin chậm hơn, ít kiến thức và non kinh nghiệm, đồng thời họ thường dùng đòn bẩy tài chính, thế chấp sổ đỏ,…để gia nhập cuộc chơi vì niềm tin quá lớn. Kẻ thắng trong các cơn sốt đất chỉ có nhóm tạo sốt, cò mồi và số ít người may mắn. Và, có một thực tế là trong các cơn sốt đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời. Thời gian qua, khá nhiều đợt sốt đất nền "chóng vánh", nhưng chỉ sau một tuần hoặc vài tháng, hiện tượng sốt đất đã nguội, dòng người tìm đến cũng không còn, bong bóng vỡ, và chỉ còn lại hệ quả cho những NĐT "ôm bom" cuối cùng. Đại diện Savills Việt Nam cho rằng, sự tăng giá "nóng" của thị trường nhà đất thời gian gần đây chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực. Và khi không phản ánh nhu cầu thực của thị trường thì cơn sốt dừng lại là điều tất yếu. Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, nếu không xác định được vị trí của mình đang ở đâu trong nhóm các nhà đầu tư, nhiều người sẽ có thể bị “đóng băng” tài sản, thậm chí mất trắng và kiệt quệ… nếu cứ lao mình vào những cơn sốt đất. “Mỗi một nhà đầu tư hay đầu cơ cần xác định khả năng tài chính của mình đang nằm ở đâu, trong tốp nào của nhóm tham gia vào cơn sốt đất. Quan trọng nữa là nếu họ chỉ đầu tư bằng vốn sẵn có thì cùng lắm chỉ bị đóng băng tài sản đã đầu tư, nhưng nếu rơi vào trạng thái đi vay hoặc đòn bẩy quá lớn thì có thể sẽ rơi vào phá sản, khánh kiệt và nhiều câu chuyện khác nữa” – ông Ánh nhấn mạnh. Nguồn: http://danviet.vn/vo-mong-ty-phu-va-bai-hoc-nho-doi-sau-con-sot-dat-50202135132941581.htm |
,