Đây là dự án luật đã được đề nghị sửa nhiều lần, nhưng Chính phủ đề nghị để lại vì còn nhiều vấn đề chưa kịp xử lý.
“Có rất nhiều vướng mắc, bất cập”
Cụ thể, cử tri H.Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đề nghị sửa một số điều “không phù hợp”, “triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc” trong luật Đất đai hiện hành. Đơn cử, điều 53 của luật quy định, quy hoạch cấp dưới phải căn cứ vào quy hoạch cấp trên và căn cứ vào chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất cấp tỉnh cho huyện. Hiện tại, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh chưa được phê duyệt, chưa phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho cấp huyện; trong khi đó quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2011 - 2020 đã hết kỳ quy hoạch, nếu không lập và phê duyệt thì năm 2021 huyện sẽ không có chỉ tiêu sử dụng đất. Vì vậy, UBND tỉnh đang chỉ đạo lập ngược: quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sẽ chủ động lập, trình phê duyệt, sau đó tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh.
Cử tri tỉnh Phú Thọ đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung luật này, vì hiện thi hành luật “có rất nhiều vướng mắc bất cập”, người dân đi xin cấp đất, cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV), tách thửa… thủ tục còn phức tạp, khó khăn và còn tình trạng sách nhiễu. Cử tri tỉnh Thái Bình tiếp tục đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang diễn ra trong thực tế hiện nay như mức giá thu hồi đất nông nghiệp, giá đền bù giải phóng mặt bằng chưa phù hợp thực tế... Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị tăng cường quản lý, sử dụng đất đai, tích tụ đất đai... nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị sửa luật vì những bất cập trong công tác bồi thường, giải tỏa. Cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ TN-MT quan tâm, chỉ đạo công tác định giá đất theo giá thị trường, tránh khiếu kiện phức tạp cũng như gây thất thoát tài sản nhà nước... Cử tri tỉnh Ninh Bình cho rằng luật Đất đai năm 2013 còn bất cập trong việc xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất; đề nghị sớm sửa đổi bổ sung luật cho phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều địa phương khác cũng có các kiến nghị tương tự.
Trả lời các kiến nghị trên, Bộ TN-MT cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1188/QĐ-TTg ngày 4.8.2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành luật Đất đai năm 2013 và xây dựng dự án luật Đất đai (sửa đổi). Vấn đề cử tri kiến nghị sẽ được xem xét trong quá trình sửa đổi luật.
Giá đất còn thấp hơn giá thị trường
Liên quan đến giá đất, theo Bộ TN-MT, luật Đất đai năm 2013 quy định việc xác định giá đất cụ thể được thực hiện theo quy trình chặt chẽ (điều tra, khảo sát xác định giá đất, thông qua Hội đồng thẩm định giá đất, quyết định giá đất), đã nâng cao chất lượng kết quả xác định giá đất, cơ bản phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, bảo đảm hơn quyền lợi của người có đất bị thu hồi, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ TN-MT cũng thừa nhận, giá đất cụ thể tại một số địa phương còn thấp hơn so với giá thị trường. Nguyên nhân được cho là “một phần do khi công chứng các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, người dân thỏa thuận giá đất thấp hơn hoặc bằng giá đất trong bảng giá đất để giảm thuế thu nhập” (?); nhiều loại đất, khu vực không có thông tin chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến thông tin đầu vào để áp dụng các phương pháp định giá đất...
Để khắc phục tình trạng này, trong khi chờ luật Đất đai năm 2013 được sửa đổi toàn diện, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN-MT tổng hợp phản ánh từ các địa phương để sửa đổi Nghị định số 44/2014 của Chính phủ quy định về giá đất, Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc của các địa phương về định giá đất, đặc biệt là đối với các dự án thu hồi đất chuyển tiếp giữa luật Đất đai năm 2003 và luật Đất đai năm 2013.
Cần tiếp tục hủy bỏ quy hoạch “treo”
Cử tri TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng lại việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã công bố để giảm thiểu tình trạng các dự án “treo”, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị thực hiện việc công bố công khai và cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng việc điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch “treo” để người dân biết và giám sát.
Bộ TN-MT cho biết vào tháng 1 năm nay đã 2 lần có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM trả lời về quy hoạch “treo”. Để xử lý các quy hoạch “treo”, Bộ TN-MT đã trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi các quy định về quy hoạch trong luật Đất đai năm 2013. Khoản 1, điều 6, luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, sửa đổi điều 49 luật Đất đai năm 2013, đã có quy định để xử lý vấn đề quy hoạch “treo”.
Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được công bố, mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ, thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền.
Liên quan đến trách nhiệm giảm thiểu dự án “treo”, Bộ TN-MT cho biết ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư dự án thì UBND các tỉnh có trách nhiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các dự án cụ thể.