PHÁP LỆNH GIÁ

 

Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4 Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI                   CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                       ______                                               Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     Số: 40/2002/PL-UBTVQH10                                       _______________

 

PHÁP LỆNH GIÁ

 

            Để góp phần phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước;

            Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/NQ-QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;

            Căn cứ vào Nghị quyết số 52/2001/NQ-QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002;

            Pháp lệnh này quy định về giá.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

            Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

     1. Pháp lệnh này quy định quản lý nhà nước về giá và hoạt động về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.    

     2. Pháp lệnh này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

     3. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về giá khác với Pháp lệnh này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

            Điều 2. Nguyên tắc quản lý giá

            1. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật.          

            2. Nhà nước sử dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

            Điều 3. Giám sát thi hành pháp luật về giá

            1. Các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thi hành pháp luật về giá.      

            2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận động viên nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về giá, giám sát việc thi hành pháp luật về giá.

            Điều 4. Giải thích từ ngữ

            Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

     1. Gia bao gồm giá do Nhà nước quyết định, giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và giá thị trường.           

     2. Thẩm định giá là việc đánh giá hoặc đánh giá lại giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc thông lệ quốc tế.

     3. Bán phá gia là hành vi bán hàng hóa, dịch vụ với giá quá thấp so với giá thông thường trên thị trường Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường, hạn chế cạnh tranh đúng pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khác và lợi ích của Nhà nước.

            4. Liên kết độc quyền về gia là thỏa thuận giữa tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh ấn định một mức giá để chiếm lĩnh thị trường, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khác, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

            5. Giá độc quyền là giá hàng hóa, dịch vụ chỉ do một tổ chức, cá nhân bán, mua trên thị trường hoặc là giá hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân liên kết độc quyền chiếm phần lớn thị phần, có sức mạnh chi phối giá thị trường.

            6. Giá biến động bất thường là giá tăng hoặc giảm trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa hoặc trong trường hợp bất thường khác.

Chương II

ĐIỀU HÀNH GIÁ CỦA NHÀ NƯỚC

Mục 1

BÌNH ỔN GIÁ THỊ TRƯỜNG

 

            Điều 5. Mục tiêu bình ổn giá

            Nhà nước thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung cầu để bình ổn giá thị trường đối với những hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, kiểm soát lạm phát, ổn định tình hình kinh tế – xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, góp phần khuyến khích đầu tư, phát triển.

            Điều 6. Biện pháp bình ổn giá

            1. Trường hợp giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu có biến động bất thường thì Nhà nước sử dụng những biện pháp sau đây để bình ổn giá:        

            a) Điều chỉnh cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước;     

            b) Mua vào hoặc bán ra hàng hóa dự trữ;

            c) Kiểm soát hàng hóa tồn kho;

            d) Quy định giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá;

            đ) Kiểm soát các yếu tố hình thành giá;

            e) Trợ giá nông sản khi giá thị trường xuống quá thấp gây thiệt hại cho người sản xuất, trợ giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác;

            2. Thẩm quyền, thủ tục, thời hạn và loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này do Chính phủ quy định.

            3. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu có trách nhiệm thực hiện các biện pháp có liên quan quy định tại khoản 1 Điều này để góp phần bình ổn giá.

Mục 2

ĐỊNH GIÁ, HIỆP THƯƠNG GIÁ

            Điều 7. Tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

            1. Các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bao gồm :        

            a) Đất đai, mặt nước, tài nguyên quan trọng;            

            b) Tài sản của Nhà nước được bán, cho thuê;

            c) Hàng hóa, dịch vụ độc quyền;

            d) Hàng hóa, dịch vụ quan trọng đối với quốc kế dân sinh.

            2. Nhà nước định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này bằng các hình thức sau đây:

            a) Mức giá cụ thể;      

            b) Mức giá chuẩn;

            c) Khung giá;

            d) Giá giới hạn tối đa, tối thiểu.

            3. Chính phủ quy định cụ thể danh mục tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá quy định tại khoản 1 Điều này và việc áp dụng các hình thức định giá quy định tại khoản 2 Điều này trong từng thời kỳ.

            Điều 8. Căn cứ định giá

            Nhà nước định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh này căn cứ vào chi phí sản xuất, lưu thông; quan hệ cung cầu; sức mua của đồng tiền Việt Nam; giá thị trường trong nước và thế giới và chính sách phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.

            Điều 9. Thẩm quyền định giá

            1. Thẩm quyền định giá được quy định như sau:       

            a) Chính phủ quyết định tài sản, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng có tác động đến phát triển kinh tế – xã hội của cả nước;         

            b) Thủ tướng Chính phủ quyết định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ quan trọng có tác động đến phát triển kinh tế – xã hội của nhiều ngành;

            c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ có tác động nhiều đến phát triển kinh tế của ngành mình;

            d) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ có tác động nhiều đến phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

            2. Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền định giá quy định tại khoản 1 Điều này.

            Điều 10. Điều chỉnh mức giá do Nhà nước định giá

            1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá phải kịp thời điều chỉnh giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá khi các yếu tố hình thành giá trong nước và thế giới có biến động ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống.           

            2. Tổ chức, cá nhân có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền định giá điều chỉnh giá theo quy định của pháp luật.

            Điều 11. Hiệp thương giá

            Cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá tổ chức hiệp thương giá giữa bên mua, bên bán đối với hàng hóa, dịch vụ quan trọng có tính chất độc quyền mua, độc quyền bán không thuộc phạm vi định giá của Nhà nước quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh này theo đề nghị của bên mua, bên bán hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

            Điều 12. Kết quả hiệp thương giá

            1. Kết quả hiệp thương giá do các bên thỏa thuận được cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá ban hành để thi hành.

            2. Trường hợp đã tổ chức hiệp thương giá mà các bên  vẫn chưa thỏa thuận được mức giá thì cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá quyết định giá tạm thời để các bên thi hành cho đến khi các bên thỏa thuận được mức giá nhằm kịp thời phục vụ sản xuất, kinh doanh.

 

Mục 3

THẨM ĐỊNH GIÁ

            Điều 13. Tài sản của Nhà nước phải thẩm định giá

     1. Tài sản của Nhà nước phải thẩm định giá bao gồm:     

     a) Tài sản được mua bằng toàn bộ hoặc một phần từ nguồn ngân sách nhà nước;

     b) Tài sản của Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn và các hình thức chuyển quyền khác;

     c) Tài sản của doanh nghiệp nhà nước cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hóa, giải thể và các hình thức chuyển đổi khác;

     d) Tài sản khác của Nhà nước theo quy định của pháp luật phải thẩm định giá.

     Chính phủ quy định mức giá trị tài sản của Nhà nước thuộc khoản này phải thẩm định giá.

2. Tài sản của Nhà nước phải thẩm định giá quy định tại khoản 1 Điều này đã qua đấu thầu hoặc qua Hội đồng xác định giá thì không nhất thiết phải thẩm định giá.

                        Điều 14. Doanh nghiệp thẩm định giá

            1. Doanh nghiệp thẩm định giá bao gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Chính phủ quy định hình thức tổ chức và điều kiện thành lập doanh nghiệp thẩm định giá.          

            2. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ được thành lập doanh nghiệp thẩm định giá.

            Điều 15. Hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá

            1. Doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định giá tài sản trong các trường hợp quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh này và tài sản khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân.         

            2. Hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp được thực hiện theo hợp đồng với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá.

            Điều 16. Tiêu chuẩn Thẩm định viên về giá

            1. Người được công nhận là Thẩm định viên về giá phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây :      

              a) Là công dân Việt Nam;

            b) Có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá;

            c) Có chứng chỉ đã qua đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành về thẩm định giá do cơ quan có thẩm quyền cấp;

            d) Có thời gian làm việc liên tục từ 3 năm trở lên theo chuyên ngành được đào tạo.

            2. Người có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này được cơ quan quản lý nhà nước về giá trung ương xem xét để cấp thẻ Thẩm định viên về giá.

            Điều 17. Kết quả thẩm định giá

            Kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá được lập thành văn bản và chỉ được sử dụng vào mục đích đã ghi trong hợp đồng. Kết quả thẩm định giá có thể được sử dụng là một trong những căn cứ để xem xét phê duyệt chi từ ngân sách nhà nước, tính thuế, xác định giá tài sản bảo đảm vay vốn ngân hàng, mua bảo hiểm, cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hóa, giải thể doanh nghiệp và sử dụng vào các mục đích khác đã được ghi trong hợp đồng thẩm định giá.

            Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá

            Doanh nghiệp thẩm định giá có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

            1. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá cung cấp tài liệu, số liệu có liên quan đến thẩm định giá.            

            2. Thu tiền dịch vụ thẩm định giá theo thỏa thuận trong hợp đồng;

            3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định giá của mình. Trong trường hợp kết quả thẩm định giá không đúng, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

            4. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Mục 4

KIỂM SOÁT GIÁ ĐỘC QUYỀN

            Điều 19. Nhà nước kiểm soát giá độc quyền

            Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá tiến hành việc kiểm soát chi phí sản xuất, lưu thông, giá hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân khi phát hiện có dấu hiệu liên kết độc quyền về giá hoặc khi cần phải xem xét việc hình thành giá độc quyền.

            Điều 20. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khi nhận được yêu cầu kiểm soát giá độc quyền

            Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khi nhận được yêu cầu kiểm soát giá độc quyền có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời số liệu, tài liệu có liên quan đến chi phí sản xuất, lưu thông, giá hàng hóa, dịch vụ độc quyền theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá.

            Điều 21. Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá

            Trong việc kiểm soát giá độc quyền, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá có quyền hạn và trách nhiệm sau đây :

            1. Đình chỉ việc thực hiện giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân liên kết độc quyền về giá quyết định.            

            2. Yêu cầu tổ chức, cá nhân liên kết độc quyền phải mua, bán theo đúng giá mua, giá bán trước khi liên kết độc quyền về giá. Trường hợp cần phải điều chỉnh giá bán, giá mua thì tổ chức, cá nhân phải lập phương án trình cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá xem xét, quyết định;

            3. Quyết định giá đúng thời hạn quy định trên cơ sở phương án giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá cho phù hợp.

            4. Xử lý vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật.

Mục 5

CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ

            Điều 22. Cấm bán phá giá

            Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có hành vi bán phá giá.

            Điều 23. Các hành vi sau đây không bị coi là hành vi bán phá giá

            1. Các hành vi sau đây không bị coi là hành vi bán phá giá :

            a) Hạ giá bán hàng tươi sống;            

            b) Hạ giá bán hàng hóa tồn kho do chất lượng giảm, lạc hậu về hình thức, không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng;

            c) Hạ giá bán hàng hóa theo mùa vụ;

            d) Hạ giá bán hàng hóa để khuyến mại theo quy định của pháp luật;

            đ) Hạ giá bán hàng hóa trong trường hợp phá sản, giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh, thay đổi địa điểm, chuyển hướng sản xuất, kinh doanh.

            2. Các trường hợp hạ giá bán quy định tại khoản 1 Điều này phải được niêm yết công khai, rõ ràng tại cửa hàng, nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời gian hạ giá.

            Điều 24. Khiếu nại, tố cáo hành vi bán phá giá

            Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật đối với các hành vi bán phá giá.

            Điều 25. Điều tra, xử lý hành vi bán phá giá

            1. Khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo về hành vi bán phá giá hoặc phát hiện được hành vi bán phá giá, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá phải tổ chức điều tra hành vi bán phá giá.            

            2. Nội dung điều tra hành vi bán phá giá:

            a) Xác minh hành vi bán phá giá;       

            b) Xác định thiệt hại do hành vi bán phá giá gây ra đối với lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khác và lợi ích của Nhà nước.

            3. Căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá có quyền xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi bán phá giá.

            Điều 26. Biện pháp xử lý hành vi bán phá giá

            1. Quyết định giá bán tối thiểu nhưng không làm hạn chế cạnh tranh đúng pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

            2. Xử lý vi phạm hành chính.

            3. Buộc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bán phá giá phải bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bị tổn thất do hành vi bán phá giá gây ra.

            4. Người có hành vi bán phá giá có dấu hiệu phạm tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương III

HOẠT ĐỘNG VỀ GIÁ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SẢN XUẤT, KINH DOANH

            Điều 27. Định giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh

            Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh định giá hàng hóa, dịch vụ của mình theo quy định của Pháp lệnh này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

            Điều 28. Các hành vi bị cấm

            Cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiến hành các hành vi sau đây:

            1. Cấu kết với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khác để liên kết độc quyền về giá, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khác, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước;

            2. Bán phá giá hàng hóa, dịch vụ;

            3. Bịa đặt, loan tin không có căn cứ về việc tăng giá hoặc hạ giá gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khác, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước;

            4. Định giá sai để lừa dối người tiêu dùng hoặc tổ chức, cá nhân hợp tác sản xuất, kinh doanh với mình;

            5. Tăng hoặc giảm giá giả tạo bằng cách thay đổi số lượng, chất lượng, địa điểm giao nhận hàng hóa, dịch vụ;

            6. Lợi dụng thiên tai, địch họa và diễn biến thất thường khác để đầu cơ tăng giá ép giá;

            7. Các hành vi khác do pháp luật quy định.

            Điều 29. Niêm yết giá

            1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; việc niêm yết giá phải rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho khách hàng.  

            2. Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và mua bán đúng giá đã niêm yết.

            Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định.

Điều 30. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giá

            1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có các quyền sau đây:      

            a) Quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ, trừ những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá;         

            b) Quyết định giá hàng hóa, dịch vụ trong khung giá, giới hạn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;

            c) Khiếu nại quyết định về giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của mình;

            d) Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về giá;

            đ) Yêu cầu tổ chức, cá nhân bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

            e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

            2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có các nghĩa vụ sau đây:

            a) Lập phương án giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và chấp hành đúng mức giá đó.     

            b) Cung cấp thông tin về giá, các quyết định giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giá;

            c) Chấp hành các biện pháp của Nhà nước nhằm bình ổn giá thị trường quy định tại Pháp lệnh này;

            d) Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật;

            đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ

Mục 1

NỘI DUNG VÀ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ

            Điều 31. Nội dung quản lý nhà nước về giá

            1. Nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách, biện pháp về giá phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.   

            2. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về giá.

            3. Quyết định giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng, độc quyền.

            4. Quy định tiêu chuẩn Thẩm định viên về giá; tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và nghiệp vụ thẩm định giá; cấp và thu hồi thẻ Thẩm định viên về giá.

            5. Kiểm soát giá độc quyền và chống bán phá giá.

6. Thu thập, phân tích và thông báo thông tin, dự báo giá thị trường trong nước và thế giới.

            7. Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong lĩnh vực giá.

            8. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giá.

            Điều 32. Thẩm quyền quản lý nhà nước về giá

            1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giá trong phạm vi cả nước.

            2. Cơ quan quản lý nhà nước về giá chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giá.

            3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về giá trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá thuộc ngành mình theo phân cấp quản lý giá của Chính phủ.

            4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá tại địa phương theo phân cấp quản lý giá của Chính phủ.

            Điều 33. Tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về giá

            Hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá do Chính phủ quy định.

Mục 2

KIỂM TRA, THANH TRA GIÁ

            Điều 34. Thanh tra chuyên ngành về giá

            1. Cơ quan quản lý nhà nước về giá thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giá.    2. Thanh tra chuyên ngành về giá thực hiện kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định của pháp luật về giá và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

            Điều 35. Quyền hạn và trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành về giá

            1. Thanh tra chuyên ngành về giá có quyền:  

            a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh báo cáo kịp thời, chính xác, trung thực những số liệu, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra giá phù hợp với pháp luật;           b) Yêu cầu cơ quan có liên quan cử người tham gia và cung cấp các số liệu, tài liệu có liên quan trực tiếp đến kiểm tra, thanh tra giá;         

            c) Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật.

            2. Thanh tra chuyên ngành về giá có trách nhiệm:     

            a) Không được sử dụng các số liệu, tài liệu, thông tin thu nhập được vào mục đích khác ngoài mục đích quản lý nhà nước về giá;     

            b) Không được tiết lộ những bí mật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh;

            c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kiểm tra, thanh tra giá của mình.

            Điều 36. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi được kiểm tra, thanh tra giá

            1. Tổ chức, cá nhân nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra giá phải báo cáo kịp thời, chính xác, trung thực những số liệu, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra giá.          

            2. Tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định xử lý của cơ quan quản lý nhà nước về giá; trong trường hợp không nhất trí với quyết định đó thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật; trong thời gian khiếu nại, vẫn phải chấp hành quyết định đó.

            3. Tổ chức, cá nhân có quyền từ chối các yêu cầu kiểm tra, thanh tra giá không đúng quy định của pháp luật.

Mục 3

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

            Điều 37. Khen thưởng

            Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật về giá được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

            Điều 38. Xử lý vi phạm pháp luật về giá      

            1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;            

            2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định về giá; nhận hối lộ, bao che cho người vi phạm pháp luật về giá; thiếu tinh thần trách nhiệm; cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong việc quản lý nhà nước về giá hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về giá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

            Điều 39. Hiệu lực thi hành

            Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2002.

            Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

            Điều 40. Hướng dẫn thi hành

            Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

       Hà nội, ngày 26 tháng 4 năm 2002

T/M ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

 CHỦ TỊCH

 Đã ký: Nguyễn Văn An

______________________________________________________________________

    VĂN PHÒNG                                                         Sao nguyên văn bản chính

CHỦ TỊCH NƯỚC                                             Hà Nội, ngày 8 tháng 5 năm 2002

           _____                                        T/L CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHỦ TỊCH NƯỚC

          VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP LUẬT

Số: 10 SL/VPCTN

         

 

Hồ Phong Tư

 

 


 

,