Xây đường nối cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây với Đại lộ Đông Tây

Xây đường nối cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây với Đi lộ Đông Tây


Theo thông cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đây là dự án thành phần 1 của đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó, gói số 7 có chiều dài 2 km, gồm một nút giao và hơn 600 mét cầu, cùng hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng. Gói thầu này do liên danh nhà thầu là Tổng công ty Xây dựng đường thủy và Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng giao thông Phương Thành thực hiện trong gần 24 tháng với số vốn đầu tư hơn 1.043 tỉ đồng.


Sơ đồ đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây (màu hồng) đoạn màu xanh là 4km chuẩn bị xây dựng


Gói thầu số 8 cũng dài 2km, gồm một nút giao liên thông cùng hơn 500 mét cầu do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường thi công trong 24 tháng với mức đầu tư hơn 1.148 tỉ đồng.

Dự án đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây được chia làm 2 dự án thành phần. Trước đây, dự án thành phần 1 (từ nút giao An Phú nối với đường cao tốc dài 4km) được giao cho Tp.HCM làm chủ đầu tư. Còn VEC làm chủ đầu tư dự án thành phần 2 (xây dựng đường cao tốc chính). Tuy nhiên, do Tp.HCM gặp khó khăn khi thực hiện dự án thành phần 1 nên Bộ GTVT đã chuyển giao cho VEC làm chủ đầu tư cả 2 dự án. Hiện nay, dự án thành phần 2 đã thi công được khoảng 60%, dự kiến sẽ hoàn thành, thông xe toàn bộ vào năm 2014.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban quản l‎ý các dự án đường cao tốc phía Nam, khu vực thi công đường dẫn vào cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây là vùng đất yếu nên cần thời gian để xử l‎ý các túi bùn và nền đất. Do vậy, thời gian theo dõi và xử l‎ý túi bùn và nền đất yếu mất khoảng 30 tháng.

Trước đó, do việc giải phóng mặt bằng 4km đường nối vào cao tốc phía Tp.HCM gặp khó khăn nên VEC dự tính mở một đường nối tạm thời từ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 để nối vào đường cao tốc.

Đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55 km đi qua địa bàn Tp.HCM và tỉnh Đồng Nai. Toàn dự án có tổng mức đầu tư 18.884 tỉ đồng, trong đó vốn xây dựng giai đoạn 1 là 9.890 tỉ đồng bằng vốn vay ODA.

Đoạn cao tốc này là một phần quan trọng của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Sau khi tuyến đường được hoàn thành sẽ kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rút ngắn quãng đường từ Tp.HCM đi Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa ra cảng Cái Mép - Thị Vải.
(Theo TBKTSG)

 

,