Thí điểm triển khai bản đồ số dùng chung toàn TP.HCM

 Thí điểm triển khai bản đồ số dùng chung toàn TP.HCM

TTO - Khi đã có bản đồ số dùng chung toàn TP.HCM, người dân dễ dàng tra cứu thông tin về đất đai, tài nguyên của Sở Tài nguyên - môi trường hoặc thông tin đường đi của Sở Giao thông vận tải...

Thí điểm triển khai bản đồ số dùng chung toàn TP.HCM - Ảnh 1.

 

Ông Lý Minh Tuân - giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông trực thuộc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - trình bày về bản đồ số dùng chung - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày 12-9, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai thí điểm bản đồ số dùng chung toàn thành phố.

Theo Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, hiện nay tại TP.HCM có nhiều sở, ngành, đơn vị đã xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chẳng hạn Sở Tài nguyên - môi trường có cổng thông tin dữ liệu chuyên về tài nguyên, đất đai, môi trường; Sở Giao thông vận tải có dữ liệu về đường sá, cầu cống; Sở Quy hoạch kiến trúc có dữ liệu về công trình, nhà cửa, quy hoạch; Sở Xây dựng có dữ liệu về địa chính, xây dựng…

Tất cả dữ liệu này tuy đa dạng nhưng đều xảy ra trên cùng một trường không gian. Do vậy, mục tiêu của thành phố là tích hợp thông tin của tất cả các nguồn dữ liệu này phục vụ mục tiêu quản lý cũng như chia sẻ, nhằm phục vụ các ứng dụng khai thác. Nghĩa là sau khi tích hợp xong, chỉ cần tiếp cận bản đồ số dùng chung tại một địa chỉ, người dùng sẽ có được tất cả thông tin cần thiết.

Thí điểm triển khai bản đồ số dùng chung toàn TP.HCM - Ảnh 2.

Nguồn dữ liệu quy hoạch đô thị tại các quận huyện sẽ được tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM. Trong ảnh: người dân truy cập bản đồ số về quy hoạch đô thị ở UBND quận 8, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Dịch vụ bản đồ số nền (Gis Platform) bao gồm hai thành phần cơ bản: bản đồ nền dùng chung (là bản đồ được biên tập các lớp dữ liệu cơ bản, đáp ứng tính “mở” và “dùng chung”, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật để làm cơ sở cho các ứng dụng quản lý tham chiếu và chồng lớp dữ liệu) và dịch vụ bản đồ (bao gồm các tính năng và các giao diện lập trình ứng dụng để phục vụ quản lý, tích hợp chức năng bản đồ, mã hóa và lưu trữ vị trí địa lý).

Bà Võ Thị Trung Trinh - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - nhận định nhu cầu về dữ liệu không gian là có thật. Ví dụ như Sở GD-ĐT, Sở Y tế cần bản đồ để tìm đường đưa đón học sinh, cấp cứu bệnh nhân thì phải dùng bản đồ của Sở Giao thông vận tải; người dân, các doanh nghiệp cần thông tin về đất đai, tài nguyên thì cần đến bản đồ của Sở Tài nguyên - môi trường... 

“Bản đồ nền là nền tảng để chúng ta tích hợp, cắt lớp dữ liệu và phát triển các dịch vụ trên đó. Đó chính là mục tiêu”, bà Trinh nói.  

 

Bà Võ Thị Trung Trinh, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, phát biểu tại hội nghị - Video: TỰ TRUNG 

Thí điểm triển khai bản đồ số dùng chung toàn TP.HCM - Ảnh 4.

Mô hình triển khai bản đồ số dùng chung - Ảnh: M.HƯƠNG

Dịp này, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cũng đưa ra phương án tích hợp và chia sẻ dữ liệu bản đồ nền được chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 là thuê dịch vụ bản đồ nền của nhà cung cấp dịch vụ bản đồ, trên cơ sở đó biên tập, bổ sung các lớp, trường thông tin đã được các sở chuyên ngành phê duyệt và cung cấp. 

Giai đoạn 2, sau khi Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM hoàn thành hai dự án “Chỉnh lý biến động bản đồ địa chính, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thành phố” và “Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỉ lệ 1/2.000, 1/5.000 khu vực TP.HCM”, đồng thời có giải pháp duy trì, cập nhật dữ liệu thường xuyên, Sở Thông tin và truyền thông sẽ tham mưu UBND TP.HCM phương án xây dựng bản đồ số dùng chung cho toàn thành phố.

 

 

Nguồn: tuoitre.vn


 

,