Thông tư 43/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 30/2018/NĐ-CP về định giá tài sản trong tố tụng hình sự
THÔNG TƯ
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015; Căn cứ Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự; Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giá; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về căn cứ định giá tài sản; khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; yêu cầu khi áp dụng phương pháp định giá tài sản và chi phí định giá, định giá lại tài sản; thủ tục tạm ứng và thanh toán chi phí định giá, định giá lại tài sản trong tố tụng hình sự. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với Hội đồng định giá tài sản; thành viên Hội đồng định giá tài sản; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Chương II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Căn cứ định giá tài sản 1. Việc định giá tài sản phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ định giá tài sản quy định tại Điều 15 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP. Đối với căn cứ định giá tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, trường hợp có từ 02 căn cứ trở lên, Hội đồng định giá tài sản tùy theo tính chất, đặc điểm tài sản cần định giá và tình hình thông tin thu thập được liên quan đến tài sản để xác định thứ tự ưu tiên của các căn cứ định giá tài sản. 2. Căn cứ định giá tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP bao gồm các căn cứ sau: a) Giá thị trường của tài sản là giá giao dịch phổ biến trên thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm định giá và địa điểm định giá được yêu cầu định giá. Giao dịch phổ biến trên thị trường là hoạt động mua, bán tài sản được tiến hành hợp pháp và công khai trên thị trường. Một tài sản được coi là có giao dịch phổ biến khi có ít nhất 03 tài sản tương tự có giao dịch mua, bán trên thị trường. Mức giá giao dịch phổ biến được thu thập là giá mua, bán thực tế của giao dịch thành công; giá niêm yết của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giá chào bán, giá chào mua; giá kê khai; giá trúng thầu; giá ghi trên hóa đơn, hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ… b) Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định là mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc quyết định đang có hiệu lực áp dụng tại thời điểm được yêu cầu định giá. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá thì áp dụng mức giá cụ thể do cơ quan hoặc đơn vị sản xuất kinh doanh quy định tại thời điểm được yêu cầu định giá; c) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp là giá được xác định theo kết quả thẩm định giá tại Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá còn hiệu lực đối với tài sản được thuê thẩm định giá; d) Giá trong tài liệu, hồ sơ hợp pháp về loại tài sản đó do các cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan yêu cầu định giá cung cấp; đ) Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá là những thông tin, tài liệu giúp xác định giá của tài sản cần định giá, như mức độ sử dụng tốt nhất có khả năng mang lại giá trị cao nhất, hiệu quả nhất của tài sản; quan hệ cung cầu về tài sản; ý kiến đánh giá về giá trị của tài sản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các tổ chức, cá nhân có kiến thức, hiểu biết về tài sản; lời khai và hồ sơ tài liệu của các bên liên quan đến tài sản; giá của tài sản tương tự với tài sản cần định giá trong vụ án khác và đã được Hội đồng định giá tài sản thực hiện định giá trước đó; giá của tài sản tương tự với tài sản cần định giá thu thập được trên các trang thông tin điện tử chính thức của các cơ quan, tổ chức trong khu vực và trên thế giới khi Hội đồng tiến hành mở rộng thu thập giá tại khu vực và thế giới. 3. Căn cứ định giá tài sản là hàng cấm thực hiện theo các quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP. Đối với giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp: thực hiện theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều này. Đối với giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cấm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông báo hoặc cung cấp thông tin: cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bao gồm các cơ quan, tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật nước sở tại và được phép thông báo hoặc cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật nước này. 4. Các mức giá từ các nguồn thông tin quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này được xác định tại thời điểm và tại nơi tài sản được yêu cầu định giá theo yêu cầu định giá của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. a) Trường hợp tại thời điểm được yêu cầu định giá không thu thập được các mức giá của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự thì áp dụng tại thời điểm định giá hoặc gần thời điểm định giá nhưng không quá 02 năm (24 tháng) tính đến thời điểm định giá. Thời điểm định giá là thời điểm mà giá trị tài sản được phản ánh theo yêu cầu định giá của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; b) Trường hợp tại địa điểm được yêu cầu định giá không thu thập được các mức giá của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự thì mở rộng khu vực thu thập thông tin về giá sang các khu vực có đặc điểm thị trường tương tự với địa điểm được yêu cầu định giá. Trường hợp không thu thập được các mức giá của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự trong lãnh thổ Việt Nam, thì mở rộng việc thu thập giá tại khu vực và thế giới trên các trang thông tin điện tử chính thức của các cơ quan, tổ chức sản xuất, kinh doanh tại khu vực và thế giới. 5. Khi thu thập các mức giá trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b Khoản 4 Điều này, thì các mức giá đó cần được điều chỉnh về thời điểm và địa điểm được yêu cầu định giá căn cứ theo phương pháp định giá tài sản do Hội đồng định giá tài sản quyết định thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Điều 4. Khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá 1. Việc khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá được thực hiện theo các quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP và khoản 4 Điều 3 Thông tư này. 2. Trường hợp thực hiện khảo sát giá thị trường theo giá bán buôn, bán lẻ của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP được tiến hành như sau: a) Đối với tài sản không phải là hàng cấm, tùy theo đặc điểm và điều kiện lưu thông trên thị trường của từng loại tài sản, Hội đồng định giá tài sản hoặc Tổ giúp việc Hội đồng (nếu có) tiến hành khảo sát giá trực tiếp trên thị trường; trên các trang thông tin điện tử do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng là tài sản đang cần định giá cung cấp qua mạng Internet theo quy định của pháp luật. Đối với tài sản là hàng cấm, Hội đồng định giá tài sản tiến hành khảo sát giá trên thị trường không chính thức (nếu có) tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác có diễn ra giao dịch mua bán hàng cấm. b) Việc thu thập các mức giá được thực hiện bằng Phiếu khảo sát giá. Phiếu khảo sát giá do thành viên Hội đồng định giá lập hoặc giao thành viên Tổ giúp việc Hội đồng (nếu có) lập và phải có các nội dung chính như sau: - Tên tài sản được khảo sát, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật cơ bản của tài sản được khảo sát; - Loại tài sản: Hàng hóa thông thường; hàng cấm; … - Địa điểm tiến hành khảo sát (xã/phường, huyện, tỉnh); đối tượng khảo sát; - Thời điểm và cách thức tiến hành khảo sát (khảo sát trực tiếp/khảo sát qua mạng Internet, gọi điện, ...); - Kết quả khảo sát giá: các mức giá khảo sát (giá bán buôn, giá bán lẻ…), điều kiện giao hàng, khuyến mãi, chiết khấu… (nếu có); đơn vị tính giá (đồng/kg, đồng/cái…); loại giá (chào mua, chào bán, giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng, hóa đơn…)… - Họ tên và chữ ký của người khảo sát; - Các khuyến nghị, khó khăn, vướng mắc (nếu có). c) Mức giá thu thập có thể là giá bán buôn hoặc giá bán lẻ hoặc cả giá bán buôn và giá bán lẻ của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự. d) Việc khảo sát được tiến hành như sau: d1) Xây dựng nội dung khảo sát: - Xác định đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế-kỹ thuật chủ yếu của tài sản cần định giá; xác định tình trạng cần định giá (chưa qua sử dụng; đã qua sử dụng; bị hủy hoại, hư hỏng một phần; bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ nhưng vẫn có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng; bị mất, thất lạc; bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ và không có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng; hàng giả; không mua bán phổ biến trên thị trường); đặc tính tài sản như kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử...; tài sản là hàng cấm... Trường hợp tài sản bị hủy hoại, hư hỏng, bị mất, thất lạc, Hội đồng có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tố tụng thực hiện xác nhận lại tình trạng ban đầu của tài sản và các hạng mục của tài sản trước khi tiến hành định giá. Đối với tài sản là hàng cấm, Hội đồng định giá đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phối hợp, thống nhất xác định địa điểm và đối tượng khảo sát, thu thập thông tin về mức giá tài sản trên thị trường không chính thức. - Xác định địa điểm nơi tài sản được yêu cầu định giá: đơn vị hành chính cấp huyện và cấp tỉnh; lựa chọn đối tác khảo sát (cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh; chuyên gia có kiến thức, hiểu biết về tài sản cần định giá; các đại lý, cửa hàng, trung tâm thương mại…); - Xác định thời điểm tài sản được yêu cầu định giá và thời điểm tiến hành khảo sát giá; - Xác định cách thức khảo sát giá: trực tiếp trên thị trường chính thức hoặc không chính thức; trên các trang thông tin điện tử qua mạng Internet... d2) Thực hiện khảo sát giá, thu thập các mức giá của tài sản: - Tiến hành khảo sát giá theo các nội dung đã xác định. Đối với tài sản là hàng cấm, trường hợp cần thiết, Hội đồng định giá tài sản đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cử đại diện cùng thực hiện khảo sát giá. - Việc khảo sát, thu thập các mức giá phải được thực hiện ít nhất là 03 phiếu khảo sát cho mỗi một tài sản yêu cầu định giá theo những nội dung được xác định. Trường hợp không thu thập đủ 03 phiếu khảo sát, tại báo cáo kết quả khảo sát giá phải nêu rõ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện khảo sát giá; ảnh hưởng của những khó khăn, vướng mắc này đối với việc định giá tài sản và kết quả định giá tài sản (nếu có). - Việc thu thập các mức giá phải tuân thủ theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư này. d3) Căn cứ vào các thông tin thu thập trên, tổng hợp số liệu thu thập được, làm văn bản báo cáo Hội đồng định giá tài sản. 3. Kết quả khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá được sử dụng để Hội đồng định giá tài sản xác định phương pháp định giá tài sản theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP. Điều 5. Yêu cầu khi áp dụng phương pháp định giá 1. Tài sản chưa qua sử dụng được xác định theo giá của tài sản giống hệt mới hoặc tài sản tương tự mới theo hướng có điều chỉnh để phù hợp với hiện trạng của tài sản cần định giá tại thời điểm cần định giá. 2. Trường hợp sử dụng từ 02 phương pháp định giá tài sản trở lên, Hội đồng định giá tài sản cần đánh giá, phân tích, tính toán hoặc lựa chọn để đi đến kết luận cuối cùng về mức giá của tài sản cần định giá. Điều 6. Chi phí định giá, định giá lại tài sản; thủ tục tạm ứng và thanh toán chi phí định giá, định giá lại tài sản 1. Chi phí định giá, định giá lại tài sản; thủ tục tạm ứng và thanh toán chi phí định giá, định giá lại tài sản thực hiện theo các quy định của pháp luật về chi phí giám định, định giá trong tố tụng. 2. Việc thuê tổ chức giám định, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành. 3. Việc thực hiện thanh toán chi phí định giá, định giá lại tài sản thực hiện như sau: a) Chi công tác phí, chi tổ chức các buổi họp của Hội đồng định giá tài sản: thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị; b) Chi khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; chi thuê tổ chức giám định, thuê doanh nghiệp thẩm định giá: căn cứ theo thực tế phát sinh trong từng trường hợp cụ thể trên cơ sở có đủ hợp đồng (nếu có) và hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật; c) Chi văn phòng phẩm, in tài liệu, chi phí lưu trữ, chi mua vật tư, trang thiết bị, chi thuê phương tiện phục vụ công tác định giá tài sản: thực hiện theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều này; d) Chi khác có liên quan phục vụ cho việc định giá tài sản: thực hiện theo quy định của pháp luật về chi phí giám định, định giá trong tố tụng.
Chương III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 6 năm 2018. 2. Thông tư số 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. 3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
|
,